Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, người phát ngôn Bộ Quốc phòng, chiều 30-9 xác nhận với Pháp Luật TP.HCM kết quả ban đầu cuộc tìm kiếm hai phi công điều khiển máy bay MiG-21U mất tích 47 năm trước.
Thông tin ban đầu do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên báo cáo về Bộ Quốc phòng cho biết nhiều ngày qua, 19 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng khảo sát, tìm kiếm của tỉnh đã tiến hành khoanh vùng, tìm kiếm thực địa tại khu vực Tam Đảo giáp ranh hai tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Ngày 26-9, đoàn công tác do Thượng tá Nguyễn Trung Thành, Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đã tiếp cận một vị trí cách đỉnh núi khoảng 130 m. Qua thông tin mà người dân địa phương kể lại, kết hợp với địa hình khu vực thì thấy khả năng cao đây là sườn núi mà chiếc máy bay MiG-21U do thầy dạy lái, phi công Liên Xô cũ Yuri Poyakov và phi công trẻ Công Phương Thảo đâm vào trong quá trình bay huấn luyện ngày 30-4-1971. Tại vị trí này có hố sâu khoảng 3 m, rộng 5-6 m với bờ đất cao hai bên, khả năng do khi đâm vào thì đất đùn lên. Xung quanh khu vực có một số mảnh nhôm, mảnh kính vỡ vụn, dây dù, mảnh dù, lốp máy bay, cũng như vết tích ở các cành cây, ngọn cây bị cắt cụt…
Ngày 28-9, đoàn công tác tiếp tục phát hiện và cất bốc được hai bộ hài cốt, nằm cách nhau khoảng 20 m. Một bộ có đặc điểm xương to hơn người châu Á. Ngoài ra, còn tìm thấy đế giày, găng tay, bao súng ngắn, một đoạn dây lưng dài khoảng 30 cm và một số mảnh vải quần áo. Nhận định ban đầu có khả năng đây là hài cốt của hai phi công Yuri Poyakov và Công Phương Thảo. 18 giờ 45 cùng ngày, đoàn công tác đã đưa hai bộ hài cốt về Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.
“Đây là những thông tin ban đầu. Sẽ còn nhiều việc phải làm, chẳng hạn giám định các hài cốt, di vật tìm được. Ngoài ra, khả năng sẽ thông tin để phối hợp với cơ quan đối ngoại vì có yếu tố nước ngoài” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức cho biết.
Về phía thân nhân liệt sĩ, ông Công Văn Mão, người anh họ đang thờ cúng liệt sĩ Công Phương Thảo tại Tây Hồ, Hà Nội, cho hay Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã chủ động liên hệ, gặp gỡ, thông báo kết quả tìm kiếm từ mấy ngày nay. “Tôi được thông báo là đã tìm thấy hai bộ hài cốt, khá đầy đủ, còn nằm trong quần áo bay, khả năng 90%-95% là chú Thảo với ông thầy Liên Xô”.
“Các anh Thái Nguyên cẩn thận lắm, liên tục điện thoại về thông báo tình hình, nhắc tôi giữ hương khói. Mất tích 47 năm mà có mấy ngày triển khai tìm kiếm đã thấy hài cốt thì quả thật may mắn…” - ông Mão cho hay.
Còn về phía gia đình chuyên gia Poyarkov, hồi tháng 7 vừa qua, người cháu ngoại ông, cô Anna Poyarkova, hiện đang sống ở Ukraina, cũng gửi thư ngỏ mong được tới Việt Nam thăm khu vực mà ông của mình hy sinh trong nhiệm vụ quốc tế cao cả ngót nửa thế kỷ trước.
KS Đào Nhật Đinh, cựu du học sinh Liên Xô cũ, đang ở Hà Nội là người dịch và chia sẻ lá thư này cho Pháp Luật TP.HCM. Ông cho biết trên Nhat-nam.ru - diễn đàn tập hợp nhiều cựu binh Liên Xô cũ từng sang Việt Nam giúp đỡ trong những năm chiến tranh, nhiều ý kiến quan tâm, chia sẻ câu chuyện này. “Nhiều khả năng họ sẽ hỗ trợ vận động các cơ quan ngoại giao để thúc đẩy thực hiện mong muốn này của người thân thầy dạy bay Poyarkov…”.
“Điều này đến nay càng có cơ sở, bởi việc tìm thấy hài cốt nghi là của phi công Poyarkov hôm qua đã được Tass, hãng thông tấn lớn của Nga đưa tin” - ông Nhật Đinh nhận định.
Từ cuối tuần trước, thông tin ban đầu về kết quả cuộc tìm kiếm đã được TS toán học Nguyễn Lê Anh, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, loan báo trên Facebook. Ông Lê Anh là người đã rất quyết liệt tìm hiểu sự việc và hồi tháng 2 đã trực tiếp lên núi Tam Đảo, rồi tìm thấy một mảnh vỡ quan trọng, sau này được xác nhận là của chiếc MiG-21U xấu số.
Là người giữ vai trò quan trọng khơi lại vụ mất tích máy bay nửa thế kỷ trước, ông Lê Anh đánh giá: “Nếu tới đây các bằng chứng khoa học kết luận được số hài cốt, kỷ vật ấy là của hai phi công xấu số thì thật là tuyệt vời. Như thế, một sự việc có phần bí ẩn trong chiến tranh cuối cùng đã được giải mã”.