Quan hệ Việt-Mỹ phát triển thực chất, tin cậy hơn

Hôm nay (6-7), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Obama. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của người đứng đầu Đảng ta kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao 20 năm trước. Nhân sự kiện này, Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn nhà ngoại giao - Đại sứ Hà Huy Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Mở ra chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ

. Phóng viên:Một cách tổng quát, ông có thể bình luận gì về chuyến thăm này?

+ Ông Hà Huy Thông: Trước đây, Chủ tịch nước và Thủ tướng qua các nhiệm kỳ đã thăm Mỹ. Tổng Bí thư giữ vị trí quan trọng nhất trong hệ thống chính trị của nước ta, lần đầu tiên Tổng Bí thư thăm Mỹ nên chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử lớn lao về mọi mặt. Đây là đỉnh cao của 20 năm quan hệ, mở ra một chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ.

Chuyến đi quan trọng này còn là cơ hội để Đảng Cộng sản Việt Nam (VN) và hai đảng quyết định đời sống chính trị nước Mỹ là đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, tăng cường hiểu biết và quan hệ.

Chuyến đi còn mang nhiều ý nghĩa, bởi năm 2015 này kỷ niệm không chỉ 20 năm quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, mà còn là 40 năm kết thúc chiến tranh và 70 năm thành lập nước VN mới.

. Trở lại với các nội dung hợp tác Việt-Mỹ 20 năm qua thì dường như được bắt đầu từ hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh sang hợp tác kinh tế - thương mại, giáo dục... Gần đây là những biểu hiện ra bên ngoài của hợp tác quốc phòng, giờ với sự kiện Tổng Bí thư sang thăm Mỹ, những bước tiến ấy nói lên điều gì?

+ Nội dung quan hệ hai nước xuất phát từ đặc thù cũng như ưu tiên của mỗi bên từng thời điểm. Quan hệ Việt-Mỹ không phải là mới 20 năm nay mà từ hơn 70 năm trước khi Hồ Chủ tịch bắt đầu tiếp xúc với đại diện chính phủ Mỹ, gửi thư đề nghị Tổng thống H. Truman thiết lập quan hệ ngoại giao. Với lịch sử quan hệ phức tạp, giải quyết hậu quả chiến tranh luôn là ưu tiên hàng đầu của cả hai nước và ở đó lợi ích các bên gặp nhau.

Ngày 2-7 vừa qua, tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam 20 năm trước (11-7-1995). Ảnh: TTXVN

Hợp tác giáo dục, văn hóa và KHCN bắt đầu khá sớm. Từ cuối những năm 1970 đầu 1980, GS Tôn Thất Tùng, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã thăm Mỹ. Cuối những năm 1980 bắt đầu có du học sinh VN sang Mỹ. Tiếp đó, các đoàn doanh nghiệp Mỹ tới VN tìm cơ hội làm ăn, đặc biệt là chuyến thăm của hơn 100 doanh nghiệp Mỹ do tạp chí Time tổ chức (năm 1985) và tỉ phú Mỹ Rockefeller dẫn đầu (năm 1993). Chính lợi ích kinh tế đã thúc đẩy Mỹ bỏ cấm vận với VN (năm 1994).

Nhìn bên ngoài thì quá trình hợp tác có vẻ như tuần tự từ các vấn đề nhân đạo đến văn hóa, giáo dục, KHCN... rồi kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng. Nhưng đằng sau những nỗ lực trên đã hàm chứa những thay đổi tư duy chính trị đối ngoại. Tháng 10-1985, lần đầu tiên hai nước cùng tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Yên Thường (Gia Lâm). Năm 1989, các tổ chức phi chính phủ Mỹ tổ chức một hội nghị ở ngoại ô New York về giúp đỡ nhân đạo cho VN. VN có cử đoàn sang không? Mỹ có cấp visa cho đoàn VN không? Có cấp phép cho cán bộ ngoại giao ở phái đoàn ta tại LHQ (mà tôi lúc đó đang công tác) ra ngoài giới hạn 25 dặm để dự không? Để thực hiện các hoạt động này đều phải có quyết định chính trị ở mức độ khác nhau.

Trong các lĩnh vực hợp tác, quốc phòng, an ninh là một bộ phận trong tổng thể quan hệ giữa các nước nhưng thường nhạy cảm, không chỉ giữa hai quốc gia đó mà có khi liên quan nước khác. Với gánh nặng quá khứ và khác biệt về hệ thống chính trị, quốc phòng và an ninh càng nhạy cảm trong quan hệ Việt-Mỹ. Mỗi bước tiến trong lĩnh vực này là chỉ dấu cho thấy mức độ tin cậy trong quan hệ song phương.

Nâng tầm quan hệ Việt-Mỹ: Phù hợp với xu thế

. Theo ông, với chuyến thăm này, có thể định vị mối quan hệ Việt-Mỹ thế nào trong tương quan các quan hệ quốc tế khác của VN?

+ Quốc gia nào cũng có chính sách ngoại giao nhưng riêng Mỹ có chiến lược toàn cầu và có thể thực thi chiến lược đó nên có vai trò quan trọng với thế giới.

Chúng ta là nước đang phát triển, cần một môi trường thuận lợi để phát triển, đã triển khai chính sách đối ngoại “làm bạn với tất cả”, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế. Đến nay ta có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước lớn, song mức độ thực chất còn khác nhau, nhiều khi không phải do ta.

Năm 2013 khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ, hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện, tôn trọng luật pháp quốc tế và thể chế chính trị của nhau. Nay với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ Việt-Mỹ phát triển thực chất và tin cậy hơn. Trả lời báo chí quốc tế trước chuyến đi, Tổng Bí thư đã coi Mỹ là “một trong các đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại” của VN.

. VN bằng chuyến thăm này sẽ nâng tầm quan hệ Việt-Mỹ. Điều này sẽ có ý nghĩa thế nào trong mối quan hệ VN với các nước khác?

+ Nâng tầm quan hệ Việt-Mỹ là phù hợp với xu thế. Quan hệ Việt-Mỹ tốt sẽ giúp củng cố các quan hệ quốc tế khác của VN, tạo môi trường thuận lợi hơn để ta phát triển sau nhiều thập niên chiến tranh, bao vây và cấm vận.

. Lúc này, người dân đang quan tâm đặc biệt tới việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông. Vậy việc tăng cường quan hệ với Mỹ có ý nghĩa thế nào?

+ Việc ta độc lập, tự chủ, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, phát triển kinh tế, đa dạng hóa quan hệ với nhiều nước, trong đó có Mỹ, đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình và phát triển sẽ tạo thêm thế và lực cho ta trong xây dựng, phát triển, bảo vệ chủ quyền đất nước.

. Xin cám ơn ông.

Trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 6 đến ngày 10-7), các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước sẽ trao đổi về định hướng phát triển quan hệ song phương theo hướng tích cực, ổn định trong giai đoạn tiếp theo; thúc đẩy các mặt hợp tác và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ, trọng tâm là tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng và thuận lợi hóa thương mại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác về giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, quốc phòng an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh và các lĩnh vực khác.

Hai bên cũng sẽ trao đổi, chia sẻ quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có cuộc gặp Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon để trao đổi về việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Liên Hiệp Quốc, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, khẳng định vai trò và những đóng góp tích cực của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc đối với công cuộc phát triển của Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hữu nghị, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa, đưa các quan hệ đối tác đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả, vì lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc, đồng thời góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

(Theo Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm