Báo cáo tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp ĐVHC ngày 31-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, cho biết giai đoạn 2019-2021, Hà Nội đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, gồm sáu xã và sáu phường; không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.
Đã sắp xếp 12 ĐVHC cấp xã
Hiện nay, Hà Nội có 30 ĐVHC cấp huyện, gồm 17 huyện, 12 quận, một thị xã và 579 ĐVHC cấp xã 383 xã, 175 phường, 21 thị trấn.
Ông Thanh cho hay sau khi sắp xếp, Hà Nội đã bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư đảm bảo đúng theo quy định. Đối với số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư cũng được giải quyết chế độ, chính sách theo quy định, đồng thời được hỗ trợ thêm.
Do đó, hầu hết cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách thuộc đối tượng sắp xếp đều đồng thuận cao khi thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC trên địa bàn.
“Hiện nay, các ĐVHC được sắp xếp đã hoạt động ổn định, nhân sự được đảm bảo, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương” - Chủ tịch Hà Nội nói.
Tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: TRỌNG PHÚ |
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, một trong những kinh nghiệm quan trọng của Hà Nội trong sắp xếp các ĐVHC là phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của các cấp ủy Đảng từ TP đến cơ sở.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp ĐVHC nhằm xây dựng nền hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, phải tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp ĐVHC.
Nói về sắp xếp các ĐVHC của Hà Nội trong giai đoạn 2023-2025, Chủ tịch Hà Nội cho hay qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí tại 30 huyện, 579 xã thì Hà Nội có một ĐVHC cấp huyện là quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường thuộc diện phải sắp xếp.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Chủ tịch Hà Nội cho biết TP sẽ triển khai các công việc cụ thể như làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến tới cán bộ, chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan xây dựng đề án, phương án tổng thể.
“Đặc biệt là quá trình tổ chức sắp xếp phải chú trọng công tác tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…” - ông Thanh nói.
Bốn quận nội đô đều thiếu diện tích
Theo Điều 7 Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của ĐVHC cấp quận gồm quy mô dân số từ 150.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên; số ĐVHC trực thuộc (phường) có từ 12 đơn vị trở lên.
Nghị quyết cũng vạch rõ lộ trình từ năm 2023-2025, các ĐVHC cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.
Quận Hoàn Kiếm là một trong bốn quận nội đô lịch sử của Hà Nội (gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) với 18 phường, rộng 5,29 km2.
Theo số liệu năm 2018, quận có quy mô dân số khoảng 155.900 người. Như vậy xét về tiêu chí, hiện diện tích tự nhiên của quận Hoàn Kiếm là 5,29 km2, đang thấp hơn gần 7 lần so với tiêu chuẩn của ĐVHC cấp quận theo Nghị quyết 1211/2016.
Thống kê quy mô dân số và diện tích của một số quận nội thành Hà Nội. Ảnh chụp màn hình |
Trao đổi với PLO, một lãnh đạo của quận Hoàn Kiếm cho biết hiện nay Hoàn Kiếm chỉ thiếu duy nhất tiêu chí về diện tích tự nhiên, còn lại các tiêu chí khác về dân số, số phường đều đủ cả.
“Nếu xét về tiêu chí diện tích thì phần lớn các quận nội thành của Hà Nội đều thiếu tiêu chí về diện tích. Và nếu cộng diện tích cả bốn quận nội đô lịch sử của Hà Nội gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa lại mới đủ tiêu chí về diện tích là 35 km2…” - vị này nói và dẫn chứng hiện nay các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng đều rộng xấp xỉ 10 km2.
Đại diện quận Hoàn Kiếm cũng cho hay bản thân ông khá bất ngờ vì báo chí thông tin quận Hoàn Kiếm sẽ phải sáp nhập với quận khác. Bởi từ lâu quận Hoàn Kiếm đã là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của TP, tên gọi đó cũng đã đi vào tâm thức của người dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước.
“Cho đến nay tôi mới được biết quận đang có kế hoạch sắp xếp lại một số phường theo tiêu chí diện tích thôi, còn việc sắp xếp quận thì tôi chưa được biết thông tin” - vị này nói.