Ngư dân Trần Sinh (chủ tàu cá QNa 91865 TS) cho biết: "Sau khi tàu Trung Quốc tiến đến gần tàu của chúng tôi đang hành nghề thì một số người trên tàu đó nói trong loa phát thanh rằng đây là vùng biển của Trung Quốc và yêu cầu chúng tôi phải vào bờ. Ngay sau đó, tàu Trung Quốc áp đằng sau tàu cá của chúng tôi và tông mạnh vào cột sắt bên phải mạn tàu làm cong thanh sắt".
Đâm húc và nã đạn
Chủ tàu cá Nguyễn Sinh chưa hết kinh hoàng khi kể lại việc bị tàu Trung Quốc tấn công. Ảnh: Quang Nam
"Lúc này có một thuyền viên đang thả thúng câu bị trúng đạn gây tổn thương ngón tay. Sau đó anh em vào bên trong đóng cửa lại thì những người bên tàu Trung Quốc liên tiếp nã đạn vào phía tàu chúng tôi làm hư hỏng nhiều thứ, may mắn là anh em không thương vong về tính mạng”, chủ tàu Sinh kể lại.
Cũng theo ông Sinh, tàu cá QNa 91865 TS có công suất 700 CV của ông cùng 13 thuyền viên xuất phát từ cảng Tam Quang (Núi Thành) vào sáng 1-3.
Sau khi đi được bốn ngày, đến ngày 5-3, trong lúc hành nghề ở vùng biển cách đảo Hoàng Sa chừng 18 hải lý thì bị một tàu màu xám có sáu vạch mang số hiệu 46101 tấn công, bắn phá. Những người trên tàu Trung Quốc mặc đồ đen, dùng loa phát thanh để hăm dọa và đuổi tàu của ông vào bờ nếu không sẽ đâm nát.
Ông Sinh chỉ lỗ thủng trên cửa kính bị người trên tàu Trung Quốc bắn. Ảnh: Quang Nam
“Tàu Trung Quốc đi sát cố đâm vào tàu chúng tôi, tôi chỉ kịp né sang bên nên họ chỉ đâm trúng cột sắt ở bên mạng tàu làm cong queo. Sau đó chúng tôi vào bên trong chốt cửa lại thì bên tàu Trung Quốc liên tiếp nã đạn sang bên này. Các cửa kính trúng đạn đều bị bể hết. Hơn chục bóng đèn bị bắn nát"- ông Sinh kể.
Theo ông Sinh, đạn từ phía tàu Trung Quốc bắn sang có hình giống như viên bi sắt to bằng đầu ngón tay út. "Chúng tôi có nhặt lại một ít để giao cho cơ quan chức năng kiểm tra. Khi kiểm tra lại thì một chiếc ghe thúng đang úp trên mũi thuyền cũng có nhiều lỗ thủng do đạn sắt của những người bên tàu Trung Quốc bắn phá”- ông Sinh nói.
"Chúng tôi vẫn đánh bắt vì đó là biển của mình"
Dẫn chúng tôi đi xem lại những vật hư hại trên con tàu của mình, ngư dân Sinh vẫn chưa hết phẫn uất. Theo ông Sinh, con tàu này được vay mượn để đóng lên đến hàng tỉ đồng kể cả các dụng cụ đánh bắt. Đến nay gia đình ông vẫn còn nợ số tiền vay mượn lên đến gần 500 triệu đồng.
Chưa để tàu của ông đến nay đã ba lần bị tàu Trung Quốc tấn công khi hành nghề. Chỉ tính trong chuyến đi này, tàu của ông bị lỗ hơn 50 triệu đồng tiền vốn, đó là chưa kể đến 12 bóng đèn bị Trung Quốc bắn nát, giá mỗi bóng tầm 500.000 đồng.
Nhiều lỗ thủng trên thúng chai do bị tàu Trung Quốc bắn. Ảnh Quang Nam
Khi nghe chúng tôi đề cập tàu ông Võ Quang Thái (ngụ ở Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cũng bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp lương thực trước đó (Pháp Luật TP.HCMtừng phản ánh), ông Sinh Sinh khẳng định: “Cả tàu tôi, tàu ông Thái và một tàu nữa hình như ở tỉnh Bình Định cùng bị tàu mang số hiệu 46101 này của Trung Quốc tấn công chứ không phải tàu nào khác. Tuy nhiên, vì tổn thất quá nhiều nên sau khi những người trên tàu Trung Quốc bỏ đi, chúng tôi tiếp tục củng cố lại tàu để hành nghề.
Hàng chục bóng đèn trên tàu cũng bị tàu Trung Quốc bắn nát. Ảnh Quang Nam
Cột sắt trên tàu ngư dân Trần Sinh bị tàu Trung Quốc đâm cong vẹo trước bị khi nã đạn. Ảnh: Quang Nam
“Trong quá trình hành nghề biển, chúng tôi liên tiếp bị tàu Trung Quốc áp sát, chụp ảnh và rượt đuổi. Nhưng chúng tôi vẫn tự động viên rằng đây là vùng biển của mình nên tiếp tục đánh bắt thôi. Biển của mình mà không bám thì biết bám ở đâu được nữa. Những người trên tàu Trung Quốc quá hung bạo, luôn uy hiếp tàu của chúng tôi và các tàu ngư dân khác. Chúng tôi rất lo ngại về chuyện này, nếu cứ tiếp tục thì sẽ rất nguy hiểm. Rất mong lực lượng chức năng quan tâm hơn để đảm bảo an toàn cho ngư dân chúng tôi”, ngư dân Võ Lực đi trên tàu ông Sinh trăn trở.
Cũng trong trưa ngày hôm nay, lãnh đạo xã Tam Hải và người dân trong vùng đã đến hỏi thăm, chia sẻ và hỗ trợ ban đầu cho gia đình chủ tàu Trần Sinh vừa gặp nạn trong quá trình đánh bắt. Phía Đồn biên phòng tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc để hỗ trợ ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển.