Quảng Nam tiếp tục tăng trưởng âm, giải ngân vốn đầu tư công chậm

(PLO)- Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Quảng Nam quý I-2024 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng âm này có phần cải thiện nhưng phục hồi chậm; giải ngân vốn đầu tư công ba tháng đầu chỉ đạt gần 9%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 2-4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông báo tình hình kinh tế - xã hội quý I-2024 và nhiệm vụ trọng tâm quý II-2024.

Tiếp tục tăng trưởng âm

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Quảng Nam quý I-2024 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng âm này có phần cải thiện hơn so với các quý trước nhưng phục hồi chậm.

Nhiều dự án kéo dài khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Nam không đảm bảo kế hoạch. Ảnh: TN
Nhiều dự án kéo dài khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Nam không đảm bảo kế hoạch. Ảnh: TN

Quy mô nền kinh tế đạt trên 26,2 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành) với cơ cấu GRDP như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,2%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,1%; khu vực dịch vụ chiếm 37,7% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 22%.

Quý I-2024, Quảng Nam nằm trong nhóm 3 địa phương trong cả nước có mức tăng trưởng thấp. So với 5 tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung và 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thì thấp nhất về mức tăng trưởng và xếp vị thứ 4/5 tỉnh và 8/14 tỉnh về quy mô nền kinh tế.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân

Trong quý I-2024 (tính đến ngày 26-3), kế hoạch vốn năm 2024 giải ngân hơn 629,7 tỉ đồng, đạt 8,9%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Trước đó, nói về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nêu thực tế một số chủ đầu tư khi không có tiền thì than vãn, còn khi có tiền thì không chịu làm.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lưu ý, một số địa phương đã có tiền nhưng không tiêu được, nếu nguồn vốn giải ngân chậm, không đúng thời gian, không quyết liệt thì người đứng đầu phải điều chuyển, không thể đổ thừa cho giá cả, vật giá…

Được biết, tỉnh Quảng Nam đầu tư 76 trạm y tế tuyến xã từ nguồn ngân sách trung ương, thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong 2 năm 2022 - 2023. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Riêng đối với nguồn vốn thực hiện 76 trạm y tế trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam từng giao ‘dealine’, cuối năm 2023 không hoàn thành sẽ điều chuyển vị trí Giám đốc BQL dự án tỉnh.

giai-ngan-von-dau-tu-cong-2.JPG
Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: TN

Trả lời tại buổi họp báo, đại diện BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho biết 76 trạm y tế đầu tư tại tỉnh này thuộc nhóm B, công trình không quá 4 năm.

Theo vị này, BQL nhận nhiệm vụ chủ đầu tư từ tháng 8-2022 và nhận yêu cầu phải hoàn tất trong năm 2023. Tuy nhiên, việc triển khai trong nhiều tỉnh, thành vừa qua không đảm bảo, Chính phủ đã cho phép kéo dài sang 2024.

Trong 76 trạm y tế được đầu tư, có 53 trạm sửa chữa cải tạo, 23 trạm mua sắm trang thiết bị. Hiện nay đã đấu thầu triển khai thi công 15 trạm, 38 trạm đang lựa chọn nhà thầu.

Về kết quả xử lý người đứng đầu, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, cho biết về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh này đã đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm của tập thể, cá nhân.

Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư không đảm bảo tiến độ, nhưng bà Hoa cho biết tỉnh Quảng Nam chưa xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu của cơ quan nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm