Quốc hội giám sát phải vì mục tiêu 'kiến tạo phát triển'

(PLO)- Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển, công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu “kiến tạo phát triển”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-9, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị triển khai Chương trình giám sát của QH năm 2023. Hội nghị được tiến hành theo phương thức trực tiếp và trực tuyến tới 49 điểm cầu.

Giám sát “đúng” và “trúng” các vấn đề cử tri quan tâm

Một phần nội dung của hội nghị dành để đánh giá việc thực hiện Chương trình giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH năm 2022. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh nhận xét hoạt động giám sát của QH, UBTVQH đã có những đổi mới mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, quyết liệt trong thực hiện trách nhiệm giám sát.

Theo ông Minh, nội dung giám sát được lựa chọn “đúng” và “trúng” các chuyên đề được dư luận xã hội và cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Ông dẫn chứng năm 2022 Thanh tra Chính phủ tham gia hai đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QH

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh, nhiều bộ, ngành, địa phương qua kết quả giám sát ban đầu của đoàn giám sát đã chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đã được đoàn giám sát chỉ ra…

Từ kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ đề nghị tăng cường hoạt động giám sát đối với các lĩnh vực mà dư luận xã hội, cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.

Lưu ý thêm, ông Minh cho rằng cần đi sâu vào một số đối tượng cụ thể đối với một lĩnh vực hoặc một nhóm lĩnh vực để “tối ưu hóa” kết quả giám sát, tránh dàn trải.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cũng đánh giá trong năm 2022, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét. Các đoàn giám sát đã tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn. Đặc biệt là tăng cường sử dụng thông tin từ cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thanh tra trong quá trình tiến hành giám sát.

Việc giám sát tập trung tăng cường giải trình về những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và giải tỏa bức xúc trong xã hội...

Để phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong các hoạt động giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất Kiểm toán Nhà nước xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán hằng năm để kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Tăng cường giám sát trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí

“Cuộc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cuộc giám sát rất quy mô. Đồng chí tổng thư ký QH nói có tới 200 kg tài liệu, với hàng trăm báo cáo” - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói.

Theo ông Vương Đình Huệ, UBTVQH đã cho ý kiến hai lần về báo cáo kết quả giám sát trên, lần gần đây nhất là tại phiên họp UBTVQH tháng 9 để chuẩn bị kỹ lưỡng, trình QH tại kỳ họp tháng 10 tới.

Lưu ý một số nội dung để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của QH năm 2023, Chủ tịch QH nhấn mạnh đến việc tăng cường giám sát của QH trong hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Theo đó, các hoạt động giám sát của QH, UBTVQH, các cơ quan của QH, đoàn đại biểu QH và đại biểu QH phải chú trọng nội dung phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

“Phải xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng mà dư luận quan tâm” - ông Vương Đình Huệ nói, đồng thời lưu ý về việc “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.

Chủ tịch QH cũng khẳng định việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của QH, UBTVQH là vấn đề đã và đang được QH, UBTVQH thực hiện.

“Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách” - Chủ tịch QH nhấn mạnh và lưu ý phải phát huy được những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt.

Cùng với đó, cần đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.

“Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển” - Chủ tịch QH nói.

Năm 2023, QH lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH

Tại hội nghị, Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cho hay căn cứ đặc điểm tình hình năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ và đề xuất của các cơ quan, tại kỳ họp thứ ba, QH thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023. UBTVQH ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát và Kế hoạch triển khai.

Theo đó, năm 2023, QH, UBTVQH sẽ tiến hành hoạt động xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn…

Theo Luật Tổ chức QH, các chức danh do QH bầu gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, phó chủ tịch nước, phó chủ tịch QH, ủy viên UBTVQH, tổng Kiểm toán Nhà nước.

Các chức danh QH phê chuẩn gồm phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

QH lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, với ba mức độ là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm