Quốc hội quyết giữ ba mức tín nhiệm

Dù khi thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng với 81% số đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) cũng đã chính thức thông qua dự thảo nghị quyết của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Theo đó, QH quyết nghị giữ nguyên ba mức đánh giá tín nhiệm như trong dự thảo là: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp; đồng thời mỗi nhiệm kỳ cũng sẽ chỉ lấy duy nhất một lần tín nhiệm vào năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay qua thảo luận có ý kiến đề nghị quy định hai mức độ tín nhiệm là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” nhưng trong “tín nhiệm” thì có hai mức là “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao”. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ (UBTV QH) cho rằng quy định ba mức độ tín nhiệm nhằm phân biệt rõ tính chất khác nhau giữa việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm nhằm xác định hệ quả của hoạt động này. Đồng thời, qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua tại QH, việc đại biểu QH thể hiện tín nhiệm theo ba mức về cơ bản đã phản ánh sự đánh giá thận trọng, công tâm, khách quan của đại biểu đối với những người được QH bầu, phê chuẩn.

Đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

“Đây là sự động viên, khích lệ tích cực để người được lấy phiếu tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, đồng thời cũng là sự nhắc nhở, cảnh báo giúp họ sửa chữa kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác”. Ông Lý nhấn mạnh như thế và cho hay UBTVQH đề nghị cho giữ quy định về ba mức độ tín nhiệm như đã thể hiện trong dự thảo nghị quyết theo đúng tinh thần kết luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI).

Giải trình về quy định mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu một lần, UBTVQH cho rằng việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội hoặc HĐND ngoài việc khắc phục những hạn chế của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hằng năm theo quy định hiện hành, còn có thuận lợi là sẽ kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ của các tổ chức Đảng, làm cơ sở cho việc quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho khóa tiếp theo.

Ngoài ra, UBTVQH đã tiếp thu cho bổ sung vào dự thảo nghị quyết yêu cầu những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tài sản, thu nhập cá nhân.

Phiếu tín nhiệm là cơ sở để bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ

Lý giải thêm về việc biểu quyết thông qua nghị quyết sửa đổi về việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm với ba mức tín nhiệm như cũ, tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp chiều 28-11, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Việc hai mức hay ba mức đã nói nhiều: Lấy phiếu là thực hiện chủ trương của Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4. Đảng muốn thăm dò tín nhiệm của những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý, xem QH đánh giá tín nhiệm như thế nào để làm cơ sở cho việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển. Ngay trong nhiệm kỳ này đã có một số cán bộ thuộc diện này được luân chuyển. Ngoài ra là giúp cho công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ tới” - ông Phúc nói.

Liên quan đến sự việc blog của đại biểu (ĐB) Hoàng Hữu Phước có những bài viết không phù hợp về ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) và ông Nghĩa nhận định là mang tính xúc phạm, chủ nhiệm VPQH cho rằng đây là chuyện trong nội bộ của đoàn. “Trưởng đoàn TP.HCM cho biết trong đoàn đã có trao đổi, các ĐB đã rút kinh nghiệm, đã thông cảm với nhau” - ông Hạnh Phúc nói và cho rằng các ĐB có quyền trao đổi, tranh luận, là chuyện bình thường và là quyền riêng tư. Và vì họ cũng đã xin lỗi và thỏa thuận với nhau nên chưa cần phải đưa lên QH xem xét.

H.VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm