Biển Đông: Trung Quốc dùng ‘mặt nạ’ dân sự che đậy quân sự

Ngày 19-4, trang web của Bộ Nội chính Trung Quốc (TQ) ngang ngược công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” (tên chính thức) cho 25 đảo, bãi đá và 55 thực thể địa lý dưới đáy biển Đông. Trước đó, TQ phê chuẩn thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam (VN)).

Ông Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), đồng thời là nghiên cứu viên chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định: TQ đang từng bước lấy bộ mặt dân sự che đậy các hoạt động quân sự phi pháp ở biển Đông.

Lấy dân sự che đậy quân sự

. Phóng viên: Ông có nhận định như thế nào về việc TQ cho thiết lập các đơn vị hành chính mới trái phép tại biển Đông?

+ Ông Gregory B. Poling: Tôi nghĩ đây là một phần trong nỗ lực lâu dài của TQ nhằm tạo ra “chiếc mặt nạ dân sự” để che đậy hành vi quân sự hóa ở biển Đông. Động thái mới này cũng xuất phát từ cùng một lý do giải thích hành vi trước đó của TQ, đó là: Bắc Kinh tuyên bố đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu khoa học mới trên hai thực thể ở biển Đông hồi đầu năm nay (đó là đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của VN), hay như việc TQ hao tâm tổn sức trong việc tuyên truyền (cái mà nước này gọi là) dự báo thời tiết, tìm kiếm và cứu nạn, quản lý đánh bắt hải sản.

Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn những gì TQ nói. Bởi lẽ tất cả thứ đó đều là các căn cứ quân sự và những cơ quan hành chính “dân sự” (như hai quận đảo mới do TQ lập ra) trên thực thể không có gì khác biệt.

. Thế giới đang cùng nhau chống lại đại dịch COVID-19, vốn xuất phát từ TQ. Trong khi đó nước này lại gây rối ở biển Đông. Ông có cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng đại dịch để lấn tới?

+ Theo tôi thì đúng lý ra nên nói rằng: TQ đã không giảm tốc việc hành xử hung hăng của họ bất chấp thế giới đang đứng giữa cơn đại dịch, điều mà lẽ ra bất kỳ quốc gia có trách nhiệm nào cũng phải làm. (Nói cách khác, một quốc gia có trách nhiệm thì không tạo thêm căng thẳng khi đại dịch đang tạo ra khó khăn chung nhưng TQ thì không phải như vậy.)

Thực tế, những thể loại gây rối và đe dọa mà tàu TQ đã thực hiện mới đây không khác gì với những việc họ đã làm vào sáu tháng trước. Tuy nhiên, điều đáng phẫn nộ hơn cả đó chính là vì hiện tại, các nước láng giềng của TQ đang phải chống chọi với một cơn đại dịch mà TQ (với vai trò là nơi khởi nguồn) cũng có phần trách nhiệm.

Lính Trung Quốc xuất hiện trái phép trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (của Việt Nam) vào tháng 1-2016. Ảnh: REUTERS

Chống TQ: Tiếng nói đơn lẻ là không đủ

. Cộng đồng quốc tế, trong đó có cả các cường quốc như Mỹ, nhiều lần chỉ trích TQ. Tuy nhiên, vì sao Bắc Kinh vẫn bắt nạt, đe dọa các nước ở biển Đông?

+ Các tuyên bố chỉ trích không thường xuyên, đặc biệt khi chúng chỉ xuất phát từ phía Mỹ, VN hay thi thoảng từ Nhật Bản, Úc sẽ không đủ (khiến TQ sợ hãi). Cách duy nhất để ngăn chặn các hoạt động của TQ là tập hợp sức ép quốc tế, có thể bao gồm cả các biện pháp trừng phạt kinh tế, từ đó buộc TQ hiểu rằng việc bắt nạt ở biển Đông đang làm suy yếu lợi ích toàn cầu của họ.

Tuy nhiên, để làm được điều đó thì phải cần đến sự lên tiếng và ủng hộ lâu dài từ phía châu Âu và các quốc gia khác có yêu sách ở biển Đông (đặc biệt là Philippines) cũng như các nước khác vốn đã im hơi lặng tiếng từ năm 2016. Mỹ và VN không thể đơn độc làm tất cả điều này.

. TQ không chỉ lập các đơn vị hành chính mới mà còn cho phép hải cảnh và lực lượng hải quân, đặc biệt là nhóm tàu bán vũ trang (như dân quân biển) cản trở tự do hàng hải. Nhiều nước khác đã bị các lực lượng này của TQ đe dọa, bắt nạt. Phải chăng TQ đang thắng thế khi âm thầm độc chiếm biển Đông?

+ Đúng là như vậy. TQ đang gia tăng sự kiểm soát đối với các hoạt động thời bình ở biển Đông thông qua chiến dịch quấy rối các nước bằng lực lượng hải cảnh và dân quân biển. Chiến dịch này ngày càng trở nên nguy hiểm hơn và có thể khiến các tàu cá của ngư dân cũng như các đơn vị khai thác dầu khí thương mại (của các nước khác) phải chịu những tổn thất rất lớn để duy trì hoạt động. Rất buồn khi điều này đã xảy ra vài năm gần đây đối với một số công ty khai thác dầu khí. Nếu không làm gì đó để can thiệp để thay đổi thì TQ sẽ có thể độc quyền kiểm soát. Đến khi đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm buộc TQ phải trả giá cho những hành xử vi phạm luật pháp quốc tế của họ đều sẽ không đủ và quá muộn.

TQ muốn khẳng định cái gọi là “TP Tam Sa” hiện đã chiếm hữu diện tích hơn 2 triệu km2, tức là TP lớn nhất thế giới và lớn hơn cả diện tích nhiều nước. Việc một quốc gia ven biển tuyên bố chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ đối với vùng biển rộng quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở là bất hợp pháp. Như vậy, TQ đang xem thường các cam kết đối với UNCLOS năm 1982 mà họ đã ký.

Giáo sư James Kraska, Trung tâm Luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ 

Việt Nam: Phải đoàn kết ASEAN hơn nữa

. Theo ông, VN trong vai trò chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên có giải pháp nào?

+ Tôi nghĩ VN nên dùng vai trò chủ tịch ASEAN để kêu gọi các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Indonesia, Malaysia và Philippines, để chí ít là cùng nhau lên tiếng một cách trung thực về sự quấy rối (từ phía TQ) mà những quốc gia này đang phải đối mặt trên biển. VN cũng nên yêu cầu tổ chức một cuộc đàm phán riêng, song song với đàm phán về Quy tắc ứng xử biển Đông (COC - giữa ASEAN và TQ), để các quốc gia có tuyên bố chủ quyền có thể đạt được thỏa thuận về quản lý đánh bắt hải sản, nguồn tài nguyên dưới đáy biển và những vấn đề khác nằm ngoài phạm vi COC.

Cuối cùng, VN nên yêu cầu tổ chức các chương trình thảo luận hiệu quả về các vấn đề gai góc nhất thuộc phạm vi COC, bao gồm: Liệu bộ quy tắc này có được áp dụng cho quần đảo Hoàng Sa hay không, hay liệu rằng COC sẽ bao gồm các chế tài hay cơ chế giải quyết tranh chấp hay không. Nếu câu trả lời là “không” (như phía TQ mong muốn) thì các chương trình đối thoại sẽ thất bại. Vì vậy, trong trường hợp đó, tốt hơn là nên chấm dứt ngay lập tức việc đàm phán từ sớm để không phải tốn thêm khoảng thời gian vài năm nữa.

Mỹ: Nhà Trắng và các bộ phải vào cuộc

. TQ đang đe dọa trật tự do Mỹ lãnh đạo tại biển Đông. Mỹ phải hành động như thế nào để đảm bảo một biển Đông tự do và cởi mở như cam kết?

+ Tôi nghĩ quân đội Mỹ không thể giải quyết vấn đề này. Hải quân Mỹ có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs), gia tăng số lượng tàu mà Mỹ triển khai đến khu vực, đồng thời giúp đỡ các quốc gia ven biển xây dựng năng lực đảm bảo an ninh hàng hải. Tất cả việc làm này đều cần thiết nhưng thực tế là chưa đủ (để đối trọng TQ).

Nhà Trắng cần phải can thiệp và chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn đầu, thực hiện một chiến dịch quốc tế nhằm định danh và vạch trần (lối hành xử phạm pháp của) TQ về mặt ngoại giao, kêu gọi sự đồng thuận, tham gia từ châu Âu và các nước khác. Chính phủ Mỹ cũng cần phải huy động Bộ Tài chính nước này vào cuộc, chí ít là có thể xem xét trừng phạt các cá nhân và tàu thuyền của lực lượng dân quân biển TQ hành xử phạm pháp ở biển Đông, tương tự như cách mà Mỹ đã trừng phạt các lực lượng dân quân của Nga ở Ukraine.

Cuối cùng, chính phủ Mỹ cần phải tìm cách khắc phục những thiệt hại hay đổ vỡ trong mối quan hệ đồng minh giữa nước này và Philippines. Điều này nhằm tạo điều kiện để các lực lượng quân đội của Mỹ có thể quay lại tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines như được thể hiện trong “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” (gọi tắt là EDCA) giữa Philippines và Mỹ năm 2014.

. Xin cám ơn ông.

Hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines

EDCA có thời hạn 10 năm, được ký vào ngày 28-4-2014. Theo EDCA, Washington sẽ có thể tiếp cận mở rộng các căn cứ và cơ sở quân sự của Manila, bao gồm cả sân bay và hải cảng. Ngoài ra, Mỹ và Philippines còn ký kết Hiệp ước Phòng thủ chung (MTD) vào đầu những năm 1950, Hiệp ước các lực lượng thăm viếng (gọi tắt là VFA) vào năm 1988. Tuy nhiên, đầu năm 2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, vốn có quan điểm gần gũi với TQ, đã gửi thông báo chính thức đến Mỹ hủy bỏ hiệp ước này. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm