‘Bộ tứ kim cương’ và kế hoạch đối phó Trung Quốc toàn diện

Ngày 13-3, Nhà Trắng đã công bố tuyên bố chung chính thức của phiên họp thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden với ba lãnh đạo khác của “bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) là Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison.
 Họ đã nói
Hội nghị thượng đỉnh này là đòn đánh mạnh mẽ đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden cùng các đồng minh khác chống lại TQ. Đây là bước khởi đầu tích cực.
TS VICTOR CHA, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược 
quốc tế Mỹ (CSIS)
QUAD chung tay vì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tập trung vào Biển Đông và biển Hoa Đông
Nội dung của tuyên bố chung chia làm năm phần. Phần đầu tiên, bốn nước cho biết đã thống nhất chung tầm nhìn, sẵn sàng hợp tác vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và lành mạnh. Tuyên bố nhấn mạnh điều kiện tiên quyết là các nước trong khu vực phải hành động theo các quy tắc dân chủ chứ không phải “dựa vào sự cưỡng ép”. 
Phần thứ hai, QUAD cam kết duy trì và xây dựng trật tự minh bạch dựa trên luật pháp để bảo vệ an ninh, lợi ích của các quốc gia hoạt động trong khu vực cũng như để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào của hiện nay hay tương lai gần. Bốn nước tuyên bố “ủng hộ nhà nước pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ”. QUAD cũng ủng hộ mạnh mẽ việc ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong khu vực. 
Phần thứ ba, QUAD cam kết chung tay ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu như đại dịch COVID-19, tình trạng biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố cùng một số vấn đề liên quan đến cứu hộ nhân đạo, ứng phó thiên tai... 
Phần thứ tư chủ yếu tập trung vào các vấn đề ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Cụ thể, QUAD nêu rõ ưu tiên giải quyết vấn đề tại hai khu vực này dựa vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). “Bộ tứ kim cương” tuyên bố sẽ tạo điều kiện để các bên tranh chấp hợp tác, đối thoại hướng tới giải pháp chung bảo vệ trật tự an ninh hàng hải. Bốn nước cũng nhắc tới một số vấn đề khác như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, khủng hoảng chính trị ở Myanmar và hỗ trợ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các nước trong khu vực. 
Phần cuối cùng, tuyên bố kết lại bằng lời tái khẳng định rằng thông qua các nội dung trên, QUAD sẽ hành động liên tục để đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Lãnh đạo bốn nước dự kiến tổ chức thêm một hội nghị thượng đỉnh nữa vào cuối năm nay.

Lãnh đạo bốn nước thành viên nhóm QUAD trong phiên thượng đỉnh ngày 12-3. Ảnh: REUTERS

QUAD đang chuyển hướng và hành động kịp thời để đối phó
Trung Quốc
Theo kênh tin Channel News Asia, kế hoạch hành động mà QUAD nêu ra trong tuyên bố chung cho thấy nhóm này đã thay đổi cách tiếp cận khi đối đầu với Trung Quốc (TQ). Thay vì chỉ chú trọng vào mặt trận an ninh và ý thức hệ như thời người tiền nhiệm Donald Trump, QUAD dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Biden đang chuyển hướng mở rộng sang cả lĩnh vực kinh tế, nhân đạo và quản trị công. Điều này cho thấy QUAD không chỉ muốn chống TQ mà còn muốn giành được sự ủng hộ của các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mặt khác, TQ đang nỗ lực “thu phục” các nước khác thông qua các biện pháp hòa bình, đơn cử là chiến lược “ngoại giao vaccine”. Bắc Kinh đã cam kết cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các đối tác trên toàn cầu và con số có thể còn tăng lên. Không ít nước nhận viện trợ và nhập khẩu vaccine từ TQ là các nước đang phát triển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu QUAD không hành động sớm thì khu vực này có nguy cơ rơi vào quỹ đạo của TQ mà Bắc Kinh không cần tốn một viên đạn hay một tàu chiến nào. 
“Việc cung cấp cho các nước ở đây những sự hỗ trợ cần thiết về kinh tế, quản trị cũng sẽ giúp các nước chịu ít áp lực phải chọn phe hơn so với kiểu cạnh tranh trực diện bằng quân sự như thời ông Trump. Kế hoạch này về lâu dài cũng sẽ bền vững hơn và giúp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phát triển đồng đều, có cơ hội bước ra khỏi cái bóng của TQ” - Channel News Asia nhận định. 
Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal cho rằng QUAD có lẽ khó trở thành một “NATO của châu Á” như nhiều ý kiến kỳ vọng mà sẽ giống như một nhóm cố vấn giúp các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối phó ảnh hưởng từ TQ. Cách tiếp cận này cũng giúp QUAD tránh bị Bắc Kinh chỉ trích về việc đang can thiệp quá sâu vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như trấn an một số nước trong khu vực vốn rất dè dặt khi nhận hỗ trợ quá nhiều từ phía ngoài. 
Hiện tại vẫn chưa thể đánh giá liệu việc giữ khoảng cách như vậy có giúp QUAD ngăn chặn hiệu quả ảnh hưởng từ TQ hay không, tuy nhiên một điều chắc chắn là Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng gắn kết hơn và quyết liệt hơn trong phản đối các động thái gây bất ổn của nước này.•

 Ông Suga chuẩn bị sang Mỹ gặp ông Biden
Hãng tin Kyodo News ngày 14-3 dẫn nguồn tin nội bộ cho biết Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide chuẩn bị thăm chính thức Mỹ và sẽ hội đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu tháng 4.

Hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận việc tăng cường liên minh song phương và cam kết đảm bảo quyền tự do đi lại ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiện Văn phòng Thủ tướng Nhật chưa đưa ra bình luận chính thức. 

Nếu thông tin này là chính xác thì ông Suga sẽ trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm ông Biden. Người tiền nhiệm của ông Suga là ông Shinzo Abe cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên gặp người tiền nhiệm của ông Biden là ông Donald Trump ngay sau khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm