Bradley Manning có "bán mình" cho ông chủ WikiLeaks?

Cho đến nay, dù chưa có một tuyên bố cụ thể nào về nguồn cung cấp thông tin mật của quân đội và Bộ Ngoại giao Mỹ cho WikiLeaks, nhưng phần lớn giới chức Mỹ đều cho rằng, việc rò rỉ hàng chục ngàn trang tài liệu mật trong quân đội cùng hơn 250.000 điện tín ngoại giao xuất phát từ một binh nhất thuộc lực lượng quân đội Mỹ tên là Bradley Manning.

Bradley Manning có "bán mình" cho ông chủ WikiLeaks? ảnh 1
Bradley Manning ( trái) và ông chủ WikiLeaks.
Năm nay 23 tuổi, Bradley Manning là người Oklahoma, đồn trú ở một đơn vị Mỹ tại phía Đông Thủ đô Baghdad ở Iraq. Anh này đã bị bắt từ ngày 20/5 sau khi bị một cựu tin tặc tên là Adriano Lamo tố giác bằng cách gửi các đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện online giữa binh sĩ này và anh ta cho FBI và CIA. Tin từ trang web Wired.com cho biết, hôm 5/7, tức cách đây hơn 5 tháng, Bradley Manning đã bị buộc tội "chuyển thông tin mật cho một hệ thống máy tính mật" và "chuyển thông tin quốc phòng cho một nguồn không đáng tin cậy". Hiện Bradley Manning đang bị giam giữ tại một căn cứ quân sự ở Quantico, bang Virginia của Mỹ để chờ ngày xét xử trước tòa án binh. Nhiều khả năng, Bradley Manning sẽ phải ngồi tù tới 52 năm. Vậy chàng thanh niên này đã làm gì và bị cáo buộc vi phạm pháp luật thế nào mà có nguy cơ bị xét xử nghiêm trọng như vậy? Hãng CNN cho biết, ngay sau khi hơn 90.000 trang tài liệu mật về cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq được đăng tải trên mạng WikiLeaks, các chuyên gia phân tích và công nghệ thông tin của Lầu năm góc đã lập một nhóm alpha để tìm ra nguồn cung cấp tin cho WikiLeaks. Mọi hướng điều tra đều nhằm về các binh sĩ làm việc về lĩnh vực công nghệ thông tin trong quân đội và những chuyên gia công nghệ thông tin cùng sinh viên Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Mắt xích đầu tiên bị phá vỡ khi nhóm điều tra phát hiện khả năng về một nhóm sinh viên năm thứ 3 của MIT có quan hệ với một binh nhất tên là Bradley Manning. Ngay lập tức, Bradley Manning được triệu tập để thẩm vấn và mọi hành vi của anh đều bị giám sát. Chưa hết, nhóm alpha còn lật lại hồ sơ của Bradley Manning. Hóa ra, chàng thanh niên này đã nhập ngũ năm 2005 khi mới 18 tuổi và sớm trở thành chuyên viên phân tích tình báo tại Iraq (năm 2007). Được ưu ái làm việc tại căn cứ chiến đấu Hammer, cách Thủ đô Baghdad của Iraq khoảng 65km về phía Đông, Bradley Manning thoát khỏi việc phải ra chiến trường đấu súng với tàn quân Taliban và thành viên những nhóm Hồi giáo cực đoan. Bradley Manning tiếp tục được đặc cách truy cập một số tư liệu mật để phục vụ công việc phân tích thông tin. Cụ thể là anh được phép truy cập Hệ thống bảo mật thông tin tình báo SIPRNET mà các quân nhân Mỹ, các nhân viên dân sự và nhà thầu tư nhân sử dụng. Vào thời điểm đó, Bradley Manning chỉ coi việc xâm nhập vào hệ thống thông tin mật như một thú vui để giết thời gian, chứng tỏ bản thân và khỏi bị lạc lõng trong thế giới của những binh sĩ vạm vỡ, hay bắt nạt những người nhút nhát. Là một binh sĩ trẻ, lại là người đồng tính, Bradley Manning luôn có cảm giác "cô đơn" trong suốt thời gian làm việc ở Iraq. Anh từng tâm sự với một số người bạn trên Internet rằng, môi trường quân đội khá khắc nghiệt và tàn bạo. Bước ngoặt khiến chàng thanh niên này quyết định tung tài liệu mật ra ngoài xuất phát từ vụ việc quân đội Mỹ cố tình giấu việc binh sĩ đã sát hại nhầm thường dân. Phát hiện ra vụ đầu tiên, Bradley Manning đã "choáng váng" và mất ngủ nhiều đêm. Anh bị ám ảnh bởi tiếng khóc của những đứa trẻ và tiếng la hét của những người phụ nữ.
Bradley Manning có "bán mình" cho ông chủ WikiLeaks? ảnh 2
Nhiều người biểu tình đòi thả Bradley Manning.
Vụ thứ hai xảy ra tại Afghanistan khiến Bradley Manning không thể cầm lòng được nữa. Anh bắt đầu tìm kiếm đồng minh bằng cách móc ngoặc với một số binh sĩ khác trong đơn vị có cùng quan điểm. Thế là, trong lúc giả vờ nghe các bài hát của ca sĩ Lady Gaga, Bradley Manning đã sử dụng những chiếc CD trắng để tải tài liệu mật. Anh giấu nó vào một chiếc hộp và tìm cách liên lạc với bạn bè bên ngoài. Giờ đây, Bradley Manning bắt đầu "sục sạo" trên các trang mạng xã hội và những trang thông tin về công nghệ thông tin. Qua loạt bài báo trên trang web Wire, Bradley Manning bắt đầu chú ý tới cái tên Adriano Lamo. Biết anh này là một cựu tin tặc. Bradley Manning đã từng bước tâm sự về những gì anh đã phát hiện. Tuy nhiên, khi thấy Adriano Lamo tỏ ý không hợp tác và cũng chả quan tâm, Bradley Manning lại tìm những đối tác mới. Cuối cùng, ý nguyện của anh đã thành khi một nhóm hacker nhận kết bạn và giúp Bradley Manning bẻ những mã khóa khó nhất. Họ trao đổi thông tin hằng ngày qua nhiều kênh khác nhau để tránh bị theo dõi. Khi đoạn video quay cảnh trực thăng Mỹ bắn vào một khu vực ở Baghdad năm 2007 làm thường dân tử vong mà anh cung cấp được tải lên trang WikiLeaks hồi tháng 4 dưới nhan đề "Án mạng tập thể", Bradley Manning đã tự an ủi mình vì thấy nó đã gây ra một scandal không nhỏ. Vậy là anh tiếp tục tung thêm đoạn video quay cảnh không kích của Mỹ năm 2009 ở Afghanistan, một tài liệu mật của quân đội Mỹ đánh giá WikiLeaks như một tổ chức đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Nhưng điều không ngờ nhất là Adriano Lamo vì quá lo lắng cho bản thân, đã gửi thư cảnh báo tới giới chức Mỹ. Và sau hai sự kiện này, Bradley Manning bị bắt. Song trước đó, chàng thanh niên này đã nhanh trí gửi số tài liệu mà mình tải được cho bạn bè qua Internet. Vì thế, Mỹ đã không thể ngăn chặn những gì xảy ra tiếp theo. Về hành động của Bradley Manning, rất nhiều người ủng hộ với quan điểm cho rằng anh đã giúp thế giới biết rõ sự thật về cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, một số người khác và cả giới chức Mỹ lại cho rằng đây là hành động phản quốc. Một số lại bảo do Bradley Manning không gắn bó nhiều với nước Mỹ nên anh ta mới "dũng cảm" làm xấu đi hình ảnh của quê hương mình. Nguồn tin từ hãng BBC cho hay, chàng binh nhất này sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở bang Oklahoma nhưng do bố mẹ ly dị nên từ nhỏ, Bradley Manning đã sống ở xứ Wales (Anh) cùng với mẹ. Chỉ sau khi học xong trung học tại thị trấn Haverfordwest, Pembrokeshire (Anh), anh mới trở về Mỹ sống cùng cha. Bạn bè của Bradley Manning nói rằng, từ khi còn đi học, anh đã là chuyên gia máy tính, luôn mò mẫm trên Internet, tìm hiểu những kỹ thuật mới trong việc lấy tin và thích trở thành một hacker. Cho đến nay, cả Bradley Manning và WikiLeaks vẫn bác bỏ cáo buộc có liên hệ với nhau. Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn cho rằng, chính Bradley Manning đã cung cấp 90.000 trang tài liệu mật cho WikiLeaks. Còn trang web này thì tuyên bố chi 20.000 USD tới quỹ ủng hộ Bradley Manning nhằm giúp anh này trong quá trình tố tụng và xét xử.
Theo Phan Hiển (VTC News/ Công an nhân dân)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm