Cơ sở nào để trừng phạt Triều Tiên?

Ngày 12-2, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba và ngay lập tức đã gặp phải những phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an LHQ đã họp khẩn cấp ra tuyên bố lên án mạnh mẽ và kêu gọi áp đặt những hình phạt nghiêm khắc đối với nước này.

Vấn đề đặt ra là cơ sở pháp lý quốc tế nào thể hiện hành động trên của CHDCND Triều Tiên là vi phạm pháp luật quốc tế?

Không tham gia các hiệp ước

Cơ sở nào để trừng phạt Triều Tiên? ảnh 1

Cơ sở nào để trừng phạt Triều Tiên? ảnh 2

Phát thanh viên Triều Tiên thông báo nước này đã thử hạt nhân thành công trong khi đó Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon coi đây là sự “vi phạm rõ ràng và nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Trước hết, từ năm 1963 đến nay cộng đồng quốc tế đã có những hiệp ước quốc tế quan trọng làm cơ sở cho việc xác định vi phạm pháp luật quốc tế của việc thử vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước đầu tiên là Hiệp ước về cấm thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển, không gian và dưới nước (có hiệu lực từ 1963, Việt Nam gia nhập ngày 14-6-1982). Hiệp ước thứ hai là Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện ký ngày 24-9-1996 (Việt Nam ký ngày 24-9-1996 và đã phê chuẩn ngày 10-3-2006). Hiệp ước này cho đến nay vẫn chưa có hiệu lực. Đối với cả hai hiệp ước nói trên, CHDCND Triều Tiên đều không tham gia.

Hiệp ước thứ ba và thường được đề cập trong các sự kiện liên quan đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 (Hiệp ước NPT) có hiệu lực từ 5-3-1970. CHDCND Triều Tiên đã tham gia NPT vào năm 1993 và sau đó đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước này vào tháng 1-2003. Hiệp ước NPT ấn định một số nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên là: Không phổ biến vũ khí hạt nhân, theo đó các quốc gia có vũ khí hạt nhân thỏa thuận không chuyển giao kỹ thuật hạt nhân cho các nước khác và các quốc gia không có vũ khí hạt nhân cũng đồng ý không mưu cầu có vũ khí hạt nhân; giải trừ quân bị, theo đó các quốc gia có vũ khí hạt nhân theo đuổi mục tiêu cắt giảm và loại bỏ kho vũ khí của họ; và sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình.

Như vậy xét về luật quốc tế thì về nguyên tắc CHDCND Triều Tiên không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ của điều ước theo quy định của Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế, theo đó một quốc gia chỉ bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ phát sinh từ các điều ước quốc tế mà họ ký kết hoặc tham gia.

Một vấn đề khác là tuyên bố của CHDCND Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước NPT là “có hiệu lực ngay lập tức” trong khi Điều 10 yêu cầu phải thông báo trước ba tháng về việc rút khỏi điều ước, tuy nhiên điều này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến các nghĩa vụ quốc tế theo Hiệp ước NPT của CHDCND Triều Tiên mà họ đã chấp nhận trước khi rút khỏi Hiệp ước NPT.

Như vậy, cơ sở nào để kết luận hành động thử vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là vi phạm pháp luật quốc tế và phải bị trừng phạt?

Tuyên bố xong lại vi phạm

Dù không thể suy luận trực tiếp từ sự vi phạm các nghĩa vụ điều ước quốc tế về thử và phổ biến vũ khí hạt nhân nêu trên, cơ sở pháp lý của việc lên án và trừng phạt CHDCND Triều Tiên đã được suy luận từ nghĩa vụ có tính chất bắt buộc chung của luật quốc tế (jus cogen). Nó phát sinh từ nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế được nêu ra trong Tuyên bố ngày 24-10-1970 của Đại hội đồng LHQ. Cụ thể, “Tất cả quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế chống lại toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc là bằng bất kỳ cách thức nào không phù hợp với những mục đích của Hiến chương LHQ”.

Thứ hai, hành động thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đặt trong bối cảnh thù địch lâu nay giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, giữa CHDCND Triều Tiên và các đồng minh láng giềng của Mỹ ở khu vực này và tình trạng chiến tranh giữa hai miền chưa chấm dứt về mặt pháp lý và khuynh hướng căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á.

Cần phải nhấn mạnh rằng luật quốc tế không cấm việc các quốc gia có quyền nghiên cứu, phát triển, sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình cũng như sử dụng khoảng không vũ trụ phục vụ cho lợi ích của quốc gia mình. Tuy nhiên, việc theo đuổi chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên dường như lại phục vụ cho mục tiêu khác của họ, đó là cảnh báo Mỹ và các nước đồng minh và đối đáp lại chính sách mà nước này cho là “thù địch” cũng như quan điểm không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ với những nước này.

Chính vì vậy, cũng như các vụ thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009 và mới nhất là ngày 12-2, những vụ thử hạt nhân này đã được Hội đồng Bảo an LHQ xem là một sự “đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế”. Và vì vậy, việc xem xét trừng phạt thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bảo an LHQ.

Thẩm quyền của Hội đồng Bảo An tới đâu?

Theo Hiến chương LHQ, trách nhiệm của Hội đồng Bảo an là ngăn chặn những tình huống có thể gây ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh thế giới. Cũng vào năm 2004, Hội đồng Bảo an đã ra Nghị quyết số 1540 về thiết lập nghĩa vụ theo Hiến chương LHQ đối với tất cả quốc gia thành viên trong việc áp dụng tất cả biện pháp pháp lý chống lại việc phổ biến vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân nhằm ngăn chặn việc phổ biến sử dụng các loại vũ khí có tính chất giết người hàng loạt và coi đó là sự đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới.

Theo Điều 39 Hiến chương LHQ, “Hội đồng Bảo an xác định thực tại mọi sự đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”. Theo Điều 41, “Hội đồng Bảo an có thẩm quyền quyết định những biện pháp nào phải được áp dụng mà không liên quan tới việc sử dụng vũ lực để thực hiện các nghị quyết của Hội đồng và có thể yêu cầu các thành viên của LHQ áp dụng những biện pháp ấy. Các biện pháp này có thể là cắt đứt toàn bộ hay từng phần quan hệ kinh tế, đường sắt, đường biển, hàng không, bưu chính, điện tín, vô tuyến điện và các phương tiện thông tin khác, kể cả việc cắt đứt quan hệ ngoại giao”.

Cũng theo Hiến chương LHQ, trong khi thực thi chức năng trên, Hội đồng Bảo an được coi là hành động với tư cách thay mặt cho tất cả thành viên LHQ và tất cả thành viên đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.

Cơ sở nào để trừng phạt?

Để đáp trả những hành động thử hạt nhân của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an LHQ đã có một số các nghị quyết 1695, 1718 (vào năm 2006) và 1874 (12-6-2009). Các nghị quyết này đã viện dẫn sự đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới, lên án các hành vi thử vũ khí hạt nhân của nước này, yêu cầu CHDCND Triều Tiên từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân hiện có, chấm dứt việc tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và chương trình tên lửa của nước này, rút lại tuyên bố rút khỏi Hiệp ước NPT và tôn trọng tuyên bố của họ trong Đối thoại sáu bên năm 2006, hợp tác với Tổ chức Nguyên tử Thế giới (IAEA). Những nghị quyết này đều đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối (unanimous) từ phía các nước thành viên Hội đồng Bảo An LHQ.

Các nghị quyết nói trên cũng áp đặt một số biện pháp cấm vận về kinh tế và thương mại bao gồm cấm nhập khẩu công nghệ tên lửa và hạt nhân, cấm vũ khí, kiểm tra vũ khí hủy diệt hàng loạt đối với các tàu thuyền đến và đi từ các cảng của CHDCND Triều Tiên và cấm nhập khẩu các hàng hóa xa xỉ vào nước này.

Nghị quyết mới nhất số 2087 phản đối việc Triều Tiên phóng tên lửa tháng 12-2012. Hội đồng Bảo an LHQ ngày 12-2 đã ra tuyên bố cực lực lên án vụ thử hạt nhân vì hành động này không chỉ vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết trừng phạt trước đó mà còn là mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Đây là những nghị quyết có tính bắt buộc và có giá trị pháp lý thi hành (legal binding) đối với Triều Tiên và các quốc gia thành viên của LHQ.

Cạnh đó, vi phạm luật quốc tế của CHDCND Triều Tiên là tuyên bố của nước này tại Hội đàm sáu bên ngày 19-9-2005 gồm các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, theo đó nước này đã tuyên bố từ bỏ tất cả loại vũ khí hạt nhân và các chương trình hạt nhân hiện tại”. Tuyên bố này có thể là nghĩa vụ pháp lý quốc tế ràng buộc phát sinh từ tuyên bố đơn phương của quốc gia trong đó thể hiện ý định ràng buộc mình với nghĩa vụ quốc tế (intention to be bound).

Như vậy, cơ sở pháp lý cho việc lên án vi phạm pháp luật quốc tế của Triều Tiên chính là sự tiếp tục thực hiện những hành động trái với nội dung của các nghị quyết có tính bắt buộc của Hội đồng Bảo an LHQ từ 2006 đến nay về việc chấm dứt các chương trình hạt nhân của nước này.

Có thể nói việc bất chấp những nghị quyết và lệnh cấm của LHQ sẽ đặt quốc gia này trước khả năng phải chịu những biện pháp cấm vận ngặt nghèo hơn và sẽ chỉ làm căng thẳng hơn tình trạng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoài việc có ý nghĩa khẳng định tiềm lực hạt nhân của mình nhằm đạt tới những mục tiêu trên bàn đàm phán với Mỹ, một nghị quyết tiếp theo của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ đưa đất nước này đối mặt với những khó khăn lớn hơn về kinh tế và sự phong tỏa với bên ngoài.

Quốc gia hạt nhân

Theo Hiệp ước NPT, một quốc gia hạt nhân (NWS) là một quốc gia đã chế tạo và nổ một vũ khí hạt nhân hay các thiết bị nổ hạt nhân khác trước ngày 1-1-1967.

Năm nước được coi là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Ba nước khác tuy không được xác định là quốc gia NWS nhưng lại đang sở hữu vũ khí hạt nhân và khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân là Ấn Độ, Pakistan và CHDCND Triều Tiên (ba nước này chưa tham gia NPT).

Ngoài các nước nói trên, Israel cũng được coi là đang sở hữu loại vũ khí hạt nhân nhưng nước này chưa bao giờ thừa nhận hoặc công bố các vụ thử hạt nhân của mình; Iran hiện là thành viên của Hiệp ước NPT và đang đối mặt với những cáo buộc về chương trình hạt nhân mặc dù từ năm 2005 nước này đã tuyên bố không sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hạt nhân.

TS TRẦN THĂNG LONG, Khoa Luật quốc tế, ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm