20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và 76 người bị thương trong vụ đụng độ biên giới với binh sĩ Trung Quốc đêm 15-6 tại thung lũng Galvan, thuộc vùng Ladakh trên dãy Himalaya. Trung Quốc thừa nhận có thương vong nhưng không cung cấp con số cụ thể.
Trong cuộc xung đột, binh sĩ hai bên không sử dụng bất kỳ loại súng hay chất nổ nào. Thay vào đó, họ tấn công nhau bằng tay không, gậy gộc và đá. Lý do có sự kiềm chế này là dựa trên dựa một thỏa thuận đạt được năm 1996 giữa hai nước.
Thỏa thuận năm 1996 là gì?
Trung Quốc và Ấn Độ đã ký “Thỏa thuận giữa chính phủ Cộng hòa Ấn Độ và chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về các biện pháp xây dựng niềm tin trong lĩnh vực quân sự dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) tại các khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc” tháng 11-1996.
Ấn Độ và Trung Quốc đều có thương vong trong vụ đụng độ đêm 15-6 tại thung lũng Galvan, song hai bên đấu nhau không dùng tới súng đạn. Ảnh: AFP
Theo thỏa thuận, quân đội hai nước bị cấm bắn súng hay dùng chất nổ trong phạm vi 2 km của LAC ngoại trừ sử dụng cho mục đích huấn luyện trong tầm bắn nhất định để “ngăn chặn các hoạt động quân sự nguy hiểm tại LAC”.
Hai bên cũng nhất trí cắt giảm hoặc hạn chế lực lượng quân sự của mình dọc LAC. Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý hạn chế các loại vũ khí lớn, bao gồm xe tăng chiến đấu, xe chiến đấu bộ binh, lựu pháo cỡ nòng 75 mm hoặc lớn hơn, súng cối cỡ nòng 120 mm hoặc lớn hơn, tên lửa đất đối đất và tên lửa đất đối không. Máy bay quân sự cũng bị cấm bay trong phạm vi 10 km của LAC nếu không có thông báo trước.
Hiệu quả ra sao?
Lần gần đây nhất tranh chấp biên giới kéo dài giữa Trung Quốc và Ấn Độ dẫn tới thương vong là năm 1975, khi các binh sĩ tuần tra hai bên đấu súng và khiến bốn binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Hồ Pengong Tso dọc biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở vùng Ladakh. Ảnh: Sorin Furcoi/AL JAZEERA
Vài thập niên sau, các vụ đụng độ dọc LAC xảy ra gần như vào mỗi mùa xuân khi tuyết tan, vì tuyết tan khiến việc tuần tra dễ thực hiện. Có một số vụ đụng độ căng thẳng nhưng không có báo cáo thương vong.
Năm 2017, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra vụ đối đầu biên giới ở cao nguyên Doklam, gần ngã ba biên giới giữa hai nước và Bhutan. Tuy nhiên, không có vụ đụng độ nào được ghi nhận trong suốt 73 ngày đối đầu.
Dù vậy, trong vụ tranh chấp tại hồ Pangong – nằm giữa vùng Ladakh do Ấn Độ quản lý và cao nguyên Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát – quân đội hai nước giao tranh theo từng nhóm.
Video lan truyền trên mạng cho thấy họ tung cú đấm đá và ném đá vào nhau dẫn tới thương vong cho cả hai bên.
Theo báo cáo gần đây của tờ PLA Daily, quân đội Trung Quốc đã tuyển võ sĩ võ tổng hợp để thành lập đội dân quân biên phòng đóng tại khu tự trị Tây Tạng.
Tại sao vụ đụng độ gần đây lại chết người?
Vụ đụng độ đêm 15-6 tại thung lũng Galvan thuộc vùng Ladakh là lần xung đột chết người đầu tiên tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc kể từ năm 1975. Thời điểm đó, Trung Quốc phục kích và bắn chết bốn binh sĩ Ấn Độ tại Tulung La, bang Arunachal Pradesh.
Vụ đụng độ đêm 15-6 khiến một đại tá và hai binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng ngay tại hiện trường và hơn 90 người bị thương. Sau đó, có 17 trong số 90 người này đã tử vong trong đêm.
Độ cao 4.300 m, tình trạng thiếu ôxy, nhiệt độ dưới ngưỡng 0 độ C vào ban đêm cũng như những khó khăn trong vận chuyển trên sườn núi dốc đã trì hoãn công tác tìm kiếm và cứu nạn.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tham gia tập trận chống khủng bố gần TP Pune (Ấn Độ) năm 2016. Ảnh: INDRANIL MUKHERJEE/AFP VIA GETTY IMAGES/GETTY
Những báo cáo chưa kiểm chứng cho biết binh sĩ Trung Quốc đã dùng những cây gậy nạm đinh và một số binh sĩ Ấn Độ đã rơi xuống vách núi trong vụ đụng độ.
Truyền thông Ấn Độ cho biết phía Trung Quốc mất hơn 40 binh sĩ, song Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đây là tin giả.
Tuy nhiên, những con số này phần nào cho thấy mức độ thực sự của vụ xung đột. Nếu lệnh cấm súng đạn được gỡ bỏ, tình trạng đổ máu có thể còn tồi tệ hơn. Trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hàng trăm lính Trung Quốc và hàng ngàn lính Ấn Độ đã thiệt mạng.
Thỏa thuận 1996 sẽ tiếp tục được tôn trọng?
Theo truyền thông Ấn Độ, trong cuộc họp giữa tướng lĩnh hai nước hôm 22-6, Trung tướng Harinder Singh (Ấn Độ) nói với Thiếu tướng Liu Lin (Trung Quốc) rằng ông được phép tự quyết định thực hiện các biện pháp thích hợp nếu cần thiết, ám chỉ Ấn Độ có thể từ bỏ thỏa thuận năm 1996.
Nếu thỏa thuận bị xé bỏ, các vụ đụng độ trong tương lai và tình trạng bế tắc giữa hai nước có thể dễ dàng leo thang thành đối đầu quân sự, đặc biệt trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc huy động đáng kể lực lượng tiếp viện trong những tuần gần đây.