Gây hấn cỡ nào Trung Quốc cũng không chiếm được biển Đông

Một thực tế là dù đại dịch COVID-19 đang hoành hành nhưng Trung Quốc (TQ) thời gian gần đây chẳng những không giảm mà còn tăng cường các động thái ở biển Đông.

Từ tháng 1, khi dịch COVID-19 mới bùng phát, các tàu bảo vệ bờ biển và tàu bán quân sự hàng hải TQ đã đổ ra các vùng biển Đông tranh chấp.

Tháng rồi TQ mở hai trạm nghiên cứu trên các bãi đá Chữ Thập và đá Subi ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Trung Quốc cải tạo trái phép ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, do máy bay giám sát P-8A Poseidon chụp lại. Ảnh: US NAVY

Cũng trong tháng trước Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao lên Liên Hiệp Quốc phản đối các tuyên bố chủ quyền ngang ngược của TQ ở biển Đông.

Đầu tháng này, một tàu tuần tra của TQ đã đâm chìm một tàu cá của VN. Tuần trước TQ đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước khi đến hoạt động gần tàu khoan dầu West Capella của Malaysia hiện tại. Theo dữ liệu ngày 23-4 của trang web Marine Traffic chuyên theo dõi hoạt động tàu thì tàu Hải Dương địa chất 8 vẫn còn gần vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Tàu Hải Dương địa chất 8 hoạt động gần bờ biển Trung Quốc năm 2018. Ảnh: SCHOTTEL 

Ngày 18-4, TQ ngang ngược thông báo thành lập cái gọi là "quận đảo" Tây Sa và “quận đảo” Nam Sa để “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.

Mới nhất, ngày 19-4, trên trang web của mình, Bộ Nội chính TQ ngang ngược công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” (tên chính thức) cho 25 đảo, bãi đá và 55 thực thể địa lý dưới đáy biển Đông. Hãng tin Sputnik lưu ý TQ tuyên bố chủ quyền ở hàng chục thực thể địa lý trên biển Đông dù Việt Nam đã có động thái phản đối chỉ vài tuần trước đó.

Ý đồ đằng sau là gì?

Về việc TQ tăng cường các động thái ở biển Đông vừa qua và hiện tại, đặc biệt chuyện TQ lập cái gọi là hai “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa, Giáo sư Kang Lin từ Đại học Hải Nam (TQ) cho rằng các bước đi này không có gì bất ngờ.

Ông Kang Lin có ý đổ lỗi cho quốc tế đã gây áp lực khiến TQ phải hành động như thế và đặc biệt nhấn mạnh đến việc tuần tra biển Đông thường xuyên của hải quân Mỹ.

Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ xác nhận số lần Mỹ thực hiện tuần tra ở biển Đông trong năm 2019 cao kỷ lục so với thời gian trước. Tuy nhiên, việc tuần tra này, theo phía Mỹ là hoàn toàn dựa vào luật pháp quốc tế và phù hợp với hành xử tự do hàng hải được các nước chấp thuận.

Hình ảnh hai tàu chiến Mỹ di chuyển trên biển Đông đến khu vực tàu Hải Dương địa chất 8 hoạt động được hải quân Mỹ đưa lên Twitter.

Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học kỹ thuật Namyang (Singapore) nhận định động thái lập cái gọi là hai “quận đảo” Nam Sa và Tây Sa cho thấy TQ nhiều khả năng sẽ còn xây dựng thêm hạ tầng và tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực.

“Bước đi này đến trong lúc các bên đang trong quá trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (trên biển Đông). Rõ ràng TQ đang cố gắng củng cố lợi thế của mình ở biển Đông trước khi bộ quy tắc được công bố chính thức. Thậm chí nếu cuối cùng không có bộ quy tắc nào trở thành hiện thực, TQ vẫn muốn mình có vị trí mạnh hơn nhiều ở biển Đông” - theo nhà nghiên cứu Collin Koh.

Quá trình đàm phán giữa TQ và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông vẫn đang diễn ra, dù bản dự thảo đã được công bố tháng 8-2018. Hai bên thống nhất sẽ hoàn tất vào năm sau.

Trung Quốc “đang cố gắng lật ngược luật pháp quốc tế”?

Các động thái ngang ngược của Trung Quốc đã gặp phản ứng và chỉ trích mạnh từ nhiều chuyên gia quốc tế.

Trao đổi với hãng tin AFP, nhà nghiên cứu Bill Hayton tại tổ chức phi chính phủ - phi lợi nhuận Chatham House (Anh - chuyên phân tích các vấn đề quốc tế) đặt câu hỏi liệu có phải TQ “đang cố gắng lật ngược luật pháp quốc tế”.

“Không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền các thực thể dưới mặt nước trừ khi các thực thể này nằm trong khoảng cách 12 hải lý kể từ bờ biển của mình. TQ không biết điều này hay đang cố tình lật ngược luật pháp quốc tế? TQ đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) vốn nói rất rõ ràng cái gì các nước có thể và không thể tuyên bố là lãnh thổ của mình. TQ dường như đang đi ngược lại UNCLOS với việc khẳng định chủ quyền ở những nơi rất xa” - theo nhà phân tích Hayton.

Bên trong máy bay do thám P-8A Poseidon của hải quân Mỹ đang làm nhiệm vụ giám sát thực trạng Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa trái phép các đảo và bãi đá ở biển Đông năm 2018. Ảnh: NEW YORK TIMES

Theo chuyên gia Peter Jennings, cựu quan chức quốc phòng Úc, hiện là giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc: “Đây rõ ràng là một chiến lược có tính toán của TQ nhằm tối đa hóa việc lợi dụng tình hình xao nhãng lúc này và việc giảm năng lực của Mỹ để gây áp lực lên các nước láng giềng”.

Còn theo Giáo sư Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-biển Đông (Mỹ), “có vẻ dù đang chiến đấu với dịch bệnh TQ vẫn đang nghĩ về các mục tiêu chiến lược của mình”. Ông cho rằng TQ “muốn tạo ra một điều bình thường mới trên biển Đông” và để làm điều này thì TQ đã ngày càng trở nên gây hấn hơn.

Trung Quốc không dễ thực hiện ý đồ

Nhiều nhà quan sát cho rằng dù có nỗ lực và tăng cường gây hấn thế nào thì Trung Quốc cũng không dễ thực hiện ý đồ, vì vẫn còn sự theo dõi, can thiệp và phản đối của các nước trong khu vực, của Mỹ, các đồng minh Mỹ, và cộng đồng thế giới.

Tại khu vực, ngày 23-4, Bộ Ngoại giao Malaysia đã ra tuyên bố liên quan việc tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của TQ tiếp cận và quấy rối tàu thăm dò dầu West Capella. Theo Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein, “sự hiện diện của các tàu chiến và tàu lớn khác ở biển Đông có nguy cơ gây gia tăng căng thẳng, có thể dẫn tới hậu quả tính toán sai ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực”.

Trước đó, ngày 22-4, Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm đến Đại sứ quán TQ tại Manila phản đối việc TQ lập cái gọi là "quận đảo" Tây Sa và “quận đảo” Nam Sa. Bên cạnh công hàm trên, Manila cũng gửi một công hàm khác phản đối việc tàu TQ chĩa hệ thống điều khiển hỏa lực về phía tàu hải quân Philippines trong vùng biển Philippines. 

Ngày 21-4, hải quân Mỹ thông báo đã đưa tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đến khu vực gần nơi tàu Hải Dương địa chất 8 hoạt động.

Một ngày sau, Bộ Quốc phòng Úc xác nhận tàu hộ vệ HMAS Parramatta của hải quân Hoàng gia Úc và tàu khu trục USS Barry của hải quân Mỹ cũng được điều đến khu vực. Ba tàu chiến Mỹ và một  tàu chiến Úc đã thực hiện một cuộc tập trận hàng hải chung.

Bốn tàu chiến của Mỹ và Úc trong cuộc tập trận ngày 22-4 ở biển Đông. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Phía Mỹ cho biết Washington mong muốn sự hiện diện của các tàu Mỹ ở khu vực sẽ "thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và các nguyên tắc quốc tế làm nền tảng an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Từ tuần trước Mỹ cáo buộc TQ đẩy mạnh hiện diện ở các vùng biển tranh chấp trong lúc các nước khác đang bận rộn chống dịch COVID-19 và kêu gọi TQ chấm dứt chiến thuật bắt nạt ở biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm