Giải pháp hạ nhiệt Hong Kong trước Quốc khánh Trung Quốc

Chỉ còn vài tuần nữa là tới Quốc khánh lần thứ 70 của Trung Quốc (1-10). Trong khi đó biểu tình ở Hong Kong dù bước sang tuần thứ 14 nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chẳng những thế còn bạo lực nghiêm trọng hơn.

Hai cuối tuần rồi vừa rồi, không chỉ lựu đạn cay, vòi rồng, cảnh sát Hong Kong đã phải nã súng cảnh cáo để đối phó bạo lực biểu tình.

Cảnh sát chĩa súng vào người biểu tình ở Hong Kong ngày 25-8. Ảnh: REUTERS

Trong một bài viết tên báo SCMP, ông Mike Rowse – Tổng Giám đốc cơ quan Đầu tư Hong Kong cho rằng sẽ là điều đáng tiếc nếu ngày Quốc khánh Trung Quốc tới mà biểu tình vẫn còn tiếp diễn ở Hong Kong.

Tổ chức Đầu tư Hong Kong là một cơ quan thuộc chính quyền Hong Kong, phụ trách đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Hong Kong, hỗ trợ các pháp nhân nước ngoài, từ Đài Loan, từ Trung Quốc đại lục mở cơ sở làm ăn ở Hong Kong.

Ông Rowse là một trong số ít công chức sinh ra ở nước ngoài còn làm trong chính quyền Hong Kong sau khi TP này được Anh trao trả về Trung Quốc.

Vòi rồng được triển khai đối phó biểu tình. Ảnh: SCMP

Theo ông Rowse, để có thể chấm dứt được biểu tình trước ngày Quốc khánh của Trung Quốc, chính quyền của Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải đáp ứng các yêu cầu chính đáng của số đông người biểu tình.

Trong số các yêu cầu này có rút bỏ vĩnh viễn dự luật dẫn độ, tiến hành một cuộc điều tra độc lập cáo buộc cảnh sát sử dụng bạo lực với người biểu tình.

Theo ông Rowse, phần lớn người tham gia biểu tình là vì cảm thấy bị xúc phạm với dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang xét xử tại Trung Quốc mà họ cho là nguy hiểm.

Tối 4-9, bà Lâm tuyên bố trên truyền hình rằng chính quyền Hong Kong quyết định chính thức rút lại dự luật dẫn độ. Không lâu sau thông báo của bà Lâm, đại diện người biểu tình tổ chức họp báo tuyên bố không chấm dứt biểu tình với quyết định của bà Lâm. Đại diện biểu tình nói rõ họ muốn chính quyền Hong Kong đáp ứng toàn bộ “5 điều kiện, không chừa cái nào”.

Quan điểm này của người biểu tình tương đồng với nhận định của ông Rowse rằng ngoài việc rút bỏ vĩnh viễn dự luật, chính quyền Hong Kong cần thay đổi cấu trúc chính trị để giảm thiểu khả năng tái diễn chuyện tương tự.

Một quả bom xăng được ném về phía cảnh sát. Ảnh: SCMP

Ông Rowse cho rằng thách thức chính với chính quyền Hong Kong trong vài tuần tới là thỏa mãn các nhu cầu hợp lý của người biểu tình. Vậy các yêu cầu hợp lý này là gì và làm thế nào để chúng được đáp ứng?

Ngoài việc chính thức rút lại dự luật dẫn độ đã được bà Lâm thông báo, chính quyền Hong Kong phải thừa nhận toàn bộ quá trình biểu tình đã cho thấy sự cần thiết tiến hành cải cách ở đặc khu này.

Cơ quan phụ trách Các vấn đề Hiến pháp và Đại lục có thể chỉ đạo soạn thảo văn kiện về hệ thống đề cử và bầu chọn trưởng đặc khu, cũng như cải cách thực chất Hội đồng Lập pháp. Việc này có thể làm trong năm nay.

Biểu tình trước sân bay quốc tế Hong Kong. Sẽ là điều đáng tiếc nếu ngày Quốc khánh Trung Quốc diễn ra mà biểu tình ở Hong Kong vẫn còn tiếp diễn. Ảnh: EPA

Vấn đề tiếp theo là đề xuất thành lập một ủy ban điều tra độc lập do một thẩm phán cấp cao dẫn đầu. Trả lời báo chí tuần trước, ông Anthony Neoh - Chủ tịch Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập nói rằng không nên loại trừ viễn cảnh thành lập một ủy ban điều tra. Theo ông Neoh, có thể cân nhắc điều này một khi tình hình êm dịu hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm