Theo hãng tin Bloomberg, thông báo trên của bà Lam được phát công khai trên khắp các kênh truyền thông Hong Kong. Vài tiếng trước, Trưởng đặc khu Carrie Lam đã tiết lộ khả năng rút lại dự luật dẫn độ trong một cuộc họp kín trong cuộc họp với 43 nghị sĩ ủng hộ cùng đại biểu Hong Kong tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc tại dinh thự trưởng đặc khu.
Trưởng đặc khu Carrie Lam trong video thông báo rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục được phát công khai hôm 4-9. Ảnh: SCMP
Bà Lam cũng thông báo mở các điều tra độc lập về tính hiệu quả trong hoạt động chính quyền đặc khu, cũng như cam kết sẽ xem xét lại những đối sách của lực lượng cảnh sát khi tiến hành công tác giữ gìn trật tự.
Theo đài CNN, ngay khi thông báo trên được đưa ra, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng lên 3,9% trong phiên giao dịch chiều 4-9, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
"Những gì xảy ra nhiều tháng qua đã khiến rất nhiều người dân Hong Kong sững sờ và buồn bã. Tôi nghĩ rằng ai cũng lo lắng và đều muốn mọi chuyện có bước tiến triển nhất định chứ không thể giậm chân tại chỗ mãi" - Trưởng đặc khu Carrie Lam nói.
Được biết qua việc rút lại dự luật dẫn độ, chính quyền Hong Kong đã nhượng bộ và đáp ứng một trong năm yêu cầu mà phong trào biểu tình đưa ra bao gồm: Chính thức rút dự luật dẫn độ, thành lập một ủy ban để điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người biểu tình, ân xá cho những người bị bắt, dừng gọi các cuộc biểu tình là bạo loạn và khởi động lại tiến trình cải cách chính trị đang bị đình trệ.
“Liên quan tới việc mở điều tra độc lập về lực lượng cảnh sát, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta không nên thành lập một ủy ban điều tra và nên để vụ việc này cho Hội đồng Khiếu nại cảnh sát độc lập (IPCC) giải quyết” - bà Lam nói.
Đề cập tới việc bãi bỏ cáo buộc đối với người biểu tình bị bắt, bà Lam cho biết bà đã giải thích rằng động thái này “đi ngược lại với pháp luật Hong Kong và không thể chấp nhận được”. Về vấn đề chấm dứt gọi các cuộc biểu tình là bạo loạn, bà Lam khẳng định việc mô tả vụ việc thế nào không có tác động gì đáng kể về mặt pháp lý. Theo đó, mỗi quyết định khởi tố đều dựa trên bằng chứng thu thập được và phù hợp với luật pháp.
Hồi tháng 6-2019, chính quyền Hong Kong từng tuyên bố đình chỉ vô thời hạn dự luật gây tranh cãi trên. Tuy nhiên, người biểu tình không chấp nhận động thái này do lo ngại rằng dự luật còn nằm trong chương trình nghị sự và có thể được "hồi sinh" bất kỳ lúc nào.