Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày thông điệp liên bang năm 2020, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố ông và chính phủ từ chức, hãng thông tấn TASS đưa tin ngày 15-1.
Trong thông điệp liên bang, ông Putin sửa đổi Hiến pháp, trao quyền bổ nhiệm thủ tướng và các thành viên chính phủ từ tổng thống trước đây và hiện nay sang Hạ viện.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và quyền Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (phải). Ảnh: SPUTNIK
Gặp Tổng thống Putin ngày 15-1, Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh việc từ chức của mình hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp hiện hành. Ông quyết định từ chức nhằm giúp cho Tổng thống Nga có cơ hội “ra tất cả các quyết định cần thiết” để thực hiện các “thay đổi cơ bản” như ông Putin đã vạch ra, hãng Sputnik cho biết.
Quyết định của Thủ tướng Medvedev là hợp lý
Việc Thủ tướng Medvedev từ chức là một sự kiện quan trọng và bất ngờ trong chính trường Nga. Một quan chức Nga nói với tờ Independent rằng nội các thật sự bất ngờ vì “không ai biết về quyết định này” trước đó.
Tuy nhiên, hãng Sputnik dẫn lời ông Oleg Morozov - thành viên Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) cho rằng quyết định của ông Medvedev là “hợp lý” trong bối cảnh ông Putin đưa ra hàng loạt đề xuất thay đổi nền chính trị Nga. Theo ông Morozov, quy trình bổ nhiệm thủ tướng mới sẽ làm phép thử cho các đề xuất sửa đổi Hiến pháp của Tổng thống Nga.
Các chuyên gia và chính khách đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về tương lai của nước Nga sau những đề xuất thay đổi hiến pháp của Tổng thống Putin và tuyên bố từ chức của Thủ tướng Medvedev.
Sự nghiệp chính trị của ông Medvedev vẫn tiếp tục
Trong một bài phân tích trên tờ The Washington Post ngày 16-1, chuyên gia Đức Rick Noack nhận định rằng sau khi từ chức Thủ tướng, ông Medvedev chắc chắn sẽ không biến mất khỏi chính trường Nga.
Trong tối 15-1, Tổng thống Nga đã chỉ định ông Medvedev giữ chức quyền Thủ tướng và chỉ thị cho nội các tiếp tục nhiệm vụ của mình cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Đồng thời, sau khi được Tổng thống Putin ký sắc lệnh chấp thuận quyết định từ chức, ông Medvedev sẽ giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Quốc gia theo đề nghị của Tổng thống Putin.
Hội đồng Quốc gia được Tổng thống Putin thành lập năm 2000, là cơ quan tập hợp những người đứng đầu các chủ thể liên bang của Nga. Ngoài ra, Tổng thống Nga có quyền chỉ định các thành viên khác tham gia vào hội đồng.
Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Vladimir Dzhabarov - Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga mô tả vai trò mới của ông Medvedev trong Hội đồng Quốc gia sẽ giống như một “phó tổng thống” chịu trách nhiệm các vấn đề an ninh và quốc phòng.
Trong khi đó với đảng Nước Nga thống nhất, ông Medvedev vẫn giữ chức Chủ tịch đảng, hãng TASS ngày 16-1 dẫn lời Thư ký Đại hội đồng của đảng này, ông Andrey Turchak.
Ứng viên thủ tướng mới đã lộ diện
Theo Hiến pháp Nga, tổng thống và Quốc hội sẽ có thời gian không quá hai tuần kể từ khi chính phủ cũ từ chức để thảo luận và thống nhất bổ nhiệm thủ tướng và chính phủ mới.
Cục trưởng Cục Thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin là ứng viên thủ tướng theo đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS
Chỉ vài giờ sau khi ông Medvedev từ chức, Tổng thống Putin đã đề xuất lên Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) ứng viên thủ tướng tiếp theo là Cục trưởng Cục Thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin.
Ngay trong tối 15-1, ông Mishustin đã đến gặp Duma Quốc gia Nga. Ông Sergey Neverov, lãnh đạo các nghị sĩ đảng Nước Nga thống nhất trong Duma cho biết ông Mishustin sẽ thảo luận với Duma và đảng Nước Nga thống nhất để đề xuất một số thay đổi trong nội các mới.
Thông báo ngày 16-1, ông Neverov cho biết đảng Nước Nga thống nhất nhất trí ủng hộ ứng viên thủ tướng Mishustin. Lãnh đạo đảng Nước Nga công bằng cũng lên tiếng ủng hộ ông Mishustin. Trong khi đó theo hãng TASS, đảng Cộng sản Nga tuyên bố sẽ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng mới.
Hiện tại trong Duma Quốc gia Nga, đảng nước Nga thống nhất chiếm 341/450 số ghế đại biểu, tiếp đến là đảng Cộng sản Nga (chiếm 43 ghế), đảng Dân chủ Tự do (LDPR - chiếm 40 ghế), đảng Nước Nga công bằng (chiếm 23 ghế).
Những thay đổi tích cực của Tổng thống Putin
Hãng Sputnik dẫn lời cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga Alexey Pushkov cho rằng ông Putin đang “dân chủ hóa quyền lực và hệ thống chính trị ở Nga” khi gia tăng quyền lực cho quốc hội.
Chuyên gia Pháp Joe Quinn và chuyên gia Bỉ Andy Vermaut chia sẻ quan điểm cho rằng Tổng thống Putin đang muốn xây dựng một thể chế tương tự như những nền dân chủ nghị viện ở châu Âu.
Ngày 15-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp Liên bang năm 2020 trước Quốc hội Liên bang Nga. Ảnh: TASS
Nhưng nên nhớ rằng Tổng thống Nga muốn tạo ra sự cân bằng quyền lực bằng cách trao quyền nhiều hơn cho quốc hội. Dù vậy, ông vẫn mong muốn Nga là một quốc gia cộng hòa tổng thống.
Trong khi đó, tổng biên tập tạp chí Business News Europe Ben Aris lạc quan rằng những đề xuất của Tổng thống Putin sẽ tạo ra “hệ thống chính trị ổn định trong dài hạn với sự kiểm tra và cân bằng quyền lực”.
Ông Aris khẳng định những thay đổi này là hoàn toàn trái ngược với quan điểm của phương Tây về việc ông Putin muốn sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục giữ chức Tổng thống Nga sau năm 2024, hãng Sputnik cho biết.
Những câu hỏi
Dù kỳ vọng vào các thay đổi tích cực ở Nga, chuyên gia người Bỉ Gilbert Doctorow nhận ra vấn đề trong các đề xuất của ông Putin khi nó tạo ra “một nền cộng hòa nghị viện bên trong thể chế cộng hòa tổng thống”.
Cùng với đó, ông cho rằng với thực tế đảng Nước Nga thống nhất đang chiếm 3/4 số ghế ở Duma Quốc gia, những sửa đổi này đồng nghĩa với việc trao thêm quyền lực cho đảng này trong quá trình ra quyết định của đất nước.
Chuyên gia Rick Noack lại cho rằng ông Putin đang chuẩn bị cho “một sự chuyển giao quyền lực phức tạp hơn” khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024.
Theo đó, một khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua, quyền lực của người kế nhiệm ông Putin ở vai trò Tổng thống Nga sẽ bị hạn chế. Đồng thời, ông Putin có thể xem Hội đồng Quốc gia là một lựa chọn để duy trì quyền lực của mình.
Ông Noack dẫn đến ví dụ là cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan đã duy trì vai trò lãnh đạo ở Hội đồng An ninh Quốc gia Kazakhstan sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2019.
Hãy còn quá sớm để đưa ra nhận xét sau cùng
Tuy nhiên, như ông Doctorow nói với hãng Sputnik, hãy còn quá sớm để nhận xét chính xác về những tác động từ các đề xuất của Tổng thống Putin. Điều duy nhất có thể chắc chắn vào lúc này là “chúng ta đang bước vào thời kỳ chuyển tiếp sang kỷ nguyên hậu Putin”, ông Doctorow nói.
Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga - ông Petr Tolstoy khẳng định việc thủ tướng và chính phủ từ chức không ảnh hưởng đến việc thực hiện các đề xuất của ông Putin, hãng Sputnik cho hay.
Chủ tịch Hội đồng Quỹ hỗ trợ và phát triển Câu lạc bộ Valdai Andrey Bystritsky cũng nhận định sự kiện này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại của nước Nga bởi vì quy trình hoạch định chính sách đối ngoại của Moscow do Tổng thống Putin đứng đầu.