TRUNG QUỐC BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO THAM NHŨNG - BÀI 2:

Nghiêm trị làm lộ người tố cáo

Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10. Đây là tin vui cho người tố cáo tham nhũng, tuy nhiên tin vui vẫn chưa trọn vẹn vì luật vẫn chưa xử lý hành vi trả thù người tố cáo.

Như số trước đã nêu, Bí thư Quận ủy Dĩnh Tuyền, TP Phụ Dương (tỉnh An Huy) Trương Trị An nghi bị Lý Quốc Phúc tố cáo nên dựng chuyện hãm hại. Phúc tự tử trong nhà giam vào tháng 3-2008. Một câu chuyện khác vẫn còn nóng hổi với bản tin ngày 26-6 của Tân Hoa xã (Trung Quốc).

Chuyện ở thôn Thạch Hồng Phủ

Nông dân Thạch Tuân Hòa là người thôn Thạch Hồng Phủ, TP Đại Trị (tỉnh Hồ Bắc). Ông gửi đơn tố cáo khu khai thác kinh tế Đại Trị cưỡng chế thu hồi đất canh tác sai quy định và tự ý lấn chiếm thêm 19.510 m2 ngoài diện tích quy hoạch của tỉnh. Hơn 1.500 hộ dân bị thu hồi hơn 1.000 mẫu đất nhưng khi thu hồi đất, khu khai thác kinh tế không hề xuất trình công văn có liên quan.

Lãnh đạo khu khai thác kinh tế Đại Trị đã nhanh nhảu mời ông Hòa đến với lý do giải quyết dứt điểm khiếu nại. Thực ra đó chỉ là cái bẫy. Ông bị nhốt vào phòng, bị đánh đập thậm tệ rồi bị giam lỏng trong nông trường bỏ hoang với hơn chục người ngày đêm canh gác. Một tháng sau ông mới được thả về nhà. Cuối tháng 3 vừa rồi, trong lúc ông đang nằm ngủ trưa ở nhà thì bỗng có ba người vác dao và ống nước xông vào đánh, chém tới tấp. Ông bị gãy xương sườn. Đến nay công an vẫn chưa bắt được thủ phạm.

Trả lời Tân Hoa xã, lãnh đạo khu khai thác kinh tế Đại Trị cho biết không liên quan đến vụ ông Thạch Tuân Hòa bị đánh, chém và không chỉ thị ai làm chuyện đó, còn chuyện giam lỏng ông Hòa hơn một tháng là để “giúp ông Hòa học luật pháp”. Trưởng ban tuyên truyền khu khai thác kinh tế Đại Trị còn mỉa mai: “Ý thức của nông dân rất kém. Thạch Tuân Hòa là dân đen!”.

Nghiêm trị làm lộ người tố cáo ảnh 1

Vợ và con trai của Lý Quốc Phúc đòi công lý.

Trước đó, hồi tháng 3 năm ngoái, khu khai thác kinh tế Đại Trị từng sửa đường đi xuyên qua miếu Thái Công của thôn Thạch Hồng Phủ. Miếu có tuổi thọ 800 năm, cả thôn đều thờ cúng nên người dân nhất quyết không chịu di dời miếu. Khu khai thác đã cho người đến cưỡng chế di dời dẫn đến đụng độ với hơn 100 người dân. Kết quả: Một phụ nữ bị đánh gãy chân, một thanh niên bị đánh bất tỉnh, hơn 10 người dân bị bắt giam và ba người bị kết án.

Bốn hạn chế khi tố cáo

Có bốn hạn chế do chủ quan lẫn khách quan xuất phát từ người tố cáo:

- Nhận thức về tố cáo chưa đầy đủ: Nhiều người tố cáo chưa nhận thức rằng cần phải tự bảo vệ bản thân nên tùy tiện bàn luận tình hình tố cáo. Thông tin tố cáo được truyền đến tai người bị tố cáo, sau đó người tố cáo bị trả thù. Cũng có khi người tố cáo không nắm rõ cơ quan nào quản lý tố cáo nên cùng lúc gửi tài liệu tố cáo đến nhiều ban ngành hoặc nhiều cơ quan chung ngành. Trong quá trình chuyển giao, tài liệu qua tay nhiều người, thông tin bị rò rỉ.

- Lỗ hổng trong các khâu quản lý đầu mối tố cáo: Các ban ngành đều có quy định cụ thể trách nhiệm của từng khâu thụ lý, quản lý, thẩm tra nhưng trong thực tế, quy định đều có kẽ hở. Ví dụ trong quy định về công tác tố cáo của VKSND Tối cao có ba yếu tố bất lợi. Một là còn nhiều cơ quan thụ lý đơn tố cáo. Hai là đơn tố cáo phải qua nhiều khâu, từ thụ lý, thẩm tra đến chuyển giao. Ba là khá nhiều đầu mối nhận tố cáo đã chậm điều tra, tồn đọng điều tra hoặc không lập hồ sơ xử lý. Đơn cử tại tỉnh Giang Tây, từ năm 2008 đến nay, các đầu mối nhận tố cáo của VKSND tỉnh chỉ đạt 12% số vụ thụ lý.

- Khó xác định ranh giới phạm tội của hành vi trả thù ngầm: Hành vi trả thù người tố cáo ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Nhiều hành vi trả thù mang vỏ bọc hợp pháp nên rất khó xác định ranh giới phạm tội. Các lý do được sử dụng nhiều nhất là viện cớ mãn hạn hợp đồng, tăng/giảm lương thưởng, do yêu cầu công việc để thuyên chuyển, giáng chức, đình chỉ công tác, sa thải, cắt thưởng của người tố cáo; hoặc vin vào khuyết điểm, sai sót trong công việc của người tố cáo để triệt tiêu.

- Biện pháp bảo vệ chưa đầy đủ: VKSND Tối cao có quy định rõ về công tác bảo mật thông tin tố cáo nhưng quy định chỉ mang tính nguyên tắc, trong thực tế vẫn xảy ra tình trạng rò rỉ thông tin. Hơn nữa, trước khi Luật Giám sát hành chính sửa đổi được thông qua, chỉ có Bộ luật Hình sự có quy định về tội hãm hại báo thù để trừng phạt hành vi trả thù người tố cáo. Tuy nhiên, tội danh này chỉ thích hợp khi áp dụng cho công chức, chưa phù hợp với trường hợp chưa cấu thành tội danh hình sự hoặc người trả thù ngầm là nhân viên của công ty, doanh nghiệp nhà nước.

Truy cứu hình sự không phải dễ

Luật Giám sát hành chính (bản sửa đổi) được thông qua ngày 25-6 có điểm đáng chú ý nhất là tăng cường bảo vệ người tố cáo. Luật quy định cá nhân hoặc cơ quan nếu tiết lộ thông tin tố cáo, thông tin liên quan đến người tố cáo và tình hình giải quyết vụ án tố cáo sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghiêm trị làm lộ người tố cáo ảnh 2

Biếm họa của Nhân Dân nhật báo. (Chữ trong ảnh: Tố cáo)

Theo phân tích của ông Vương Siêu Anh, Chủ nhiệm Phòng Luật hành chính thuộc Ủy ban Pháp chế (Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc), có thể xử lý hình sự của hành vi tiết lộ thông tin tố cáo như: Xác định thông tin tố cáo thuộc cơ mật quốc gia nên người tiết lộ sẽ bị truy cứu tội danh tiết lộ thông tin cơ mật quốc gia; do hành vi tiết lộ thông tin tố cáo dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, hoặc hành vi mang tính cố ý cấu thành các tội danh khác nên sẽ bị truy cứu theo các điều khoản có liên quan trong Bộ luật Hình sự.

Đây là lần đầu tiên một văn bản luật xác định rõ phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tiết lộ thông tin tố cáo, dù vậy Luật Giám sát hành chính (bản sửa đổi) lại chưa có quy định về hành vi trực tiếp trả thù người tố cáo. Từ đó có thể thấy hiệu quả rồi cũng chỉ giống như các quy định của các ngành đã ban hành, bởi tất cả quy định đều chiếu theo Bộ luật Hình sự mà xử lý các tội danh có liên quan. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự chưa lập thêm tội danh mới (trả thù người tố cáo).

Do vậy, Luật Giám sát hành chính (bản sửa đổi) muốn đạt hiệu quả cần phải hoàn thiện các vấn đề sau:

- Trước tiên phải tăng cường tuyên truyền rộng rãi luật mới cho người dân và đặc biệt cho nhân viên ngành giám sát, kiểm tra kỷ luật.

- Tiếp đến phải nhanh chóng chế định các biện pháp thi hành cụ thể đi kèm. Muốn vậy thì phải sửa đổi Bộ luật Hình sự, Điều lệ thi hành Luật Giám sát hành chính và các quy định pháp luật có liên quan.

- Tối ưu hóa môi trường tố cáo bằng cách hoàn thiện trình tự thụ lý đơn tố cáo, khoanh vùng phạm vi nhân viên tiếp xúc với tài liệu tố cáo, đặc biệt cần phải ban hành luật bảo vệ người tố cáo.

- Cuối cùng là phải nghiêm trị hành vi trả thù, tập trung lực lượng điều tra các vụ án tiết lộ thông tin và trả thù người tố cáo.

Thứ trưởng Bộ Giám sát kiêm Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng quốc gia Khuất Mặc Tường thừa nhận: "Tình trạng báo thù người tố cáo quả thực vẫn tồn tại". Hiện Trung Quốc vẫn chưa có một cơ quan chuyên bảo vệ người tố cáo nên cũng chưa có cơ chế bảo vệ một cách có hệ thống. Các văn bản luật của Trung Quốc đều có quy định về bảo vệ người tố cáo nhưng thường trừu tượng, tổng quát, khó thi hành cụ thể.

Ví dụ: VKSND Tối cao có quy định tiêu chuẩn lập hồ sơ xử phạt hành vi hãm hại người tố cáo như sau: Làm người tố cáo hoặc người thân của người tố cáo tự sát; tự làm tổn thương bản thân dẫn đến chết, bị thương nặng hoặc mắc bệnh thần kinh. Các trường hợp không đạt đủ điều kiện như trên thì không thể lập hồ sơ. Mà dù có đạt đủ điều kiện lập hồ sơ thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ bảy năm tù.

HOÀNG HẠNH (Theo Pháp Luật Thượng Hải, Nhân Dân nhật báo)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm