Phiến quân Iraq gồm những ai?

Sau khi chiếm Mosul (thành phố lớn thứ hai sau thủ đô Baghdad) vào ngày 10-6, phiến quân thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và phương Đông” (ISIL) không chỉ tiếp tục chiến thắng trên mặt trận mà quân số cũng được tăng cường. Theo đánh giá, dưới lá cờ đen của ISIL phải có đến 20.000 tay súng.

Mỹ có thể sẽ trở lại chiến trường Iraq sau khi đã rút khỏi nước này vào năm 2011. Ảnh: DARYL CAGLE 

Theo báo Le Monde (Pháp), phiến quân ISIL gồm bốn thành phần:

-Đầu tiên là các tay súng đã từng đứng trong hàng ngũ quân đội của Tổng thống Saddam Hussein. Các tay súng này không chịu đầu hàng sau khi quân đội Mỹ xâm chiếm Iraq năm 2003 và đến nay vẫn tiếp tục chống chính phủ.

Một bộ phận sừng sỏ nhất gia nhập lực lượng mang tên “Quân đội những người theo lệnh Naqshbandiyah” theo cánh Hồi giáo Mật tông. Thủ lĩnh là Izzat Ibrahim al-Douri, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Chỉ huy cách mạng dưới thời Tổng thống Saddam Hussein.

Lực lượng này đã có thời chiến đấu chống lại Al Qaeda. Tương tự ISIL, “Quân đội những người theo lệnh Naqshbandiyah” sử dụng Syria làm hậu cứ. Đây là lực lượng mạnh nhất và đồng minh hàng đầu của ISIL ở Iraq.

- Thành phần thứ hai gồm các tay súng thuộc các nhóm như “Các lữ đoàn cách mạng 1920” hay “Mặt trận Hồi giáo vì kháng chiến Iraq”.

Đây là các lực lượng ủng hộ tổ chức “Anh em Hồi giáo” ở Ai Cập. Nhánh “Anh em Hồi giáo” ở Iraq do Harith Al-Dhari chỉ đạo từ Jordan. Tổ chức này đã từng tham gia thành lập lực lượng dân quân Sahwa do Mỹ vũ trang nhằm chống lại Al Qaeda ở Iraq.

- Các nhóm vũ trang theo hệ phái Sunni theo đảng Baath hay lực lượng Hồi giáo địa phương đã cầm súng chống Mỹ từ năm 2003. Hầu hết nguyên là các tay súng thuộc lực lượng dân quân Sahwa hoặc ở ẩn sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

Tất cả các nhóm này có thể đã gia nhập liên minh do ISIL cầm đầu sau các cuộc biểu tình rầm rộ vào đầu năm 2013 để tố cáo chính quyền của Thủ tướng Nouri al-Maliki trấn áp, đối xử bất công và gạt bỏ những người dòng Sunni ra bên lề xã hội.

- Thành phần cuối cùng là các nhóm do các trưởng tộc tổ chức. Các trưởng tộc đều có chân trong các hội đồng quân sự cách mạng được thành lập trong hầu hết các tỉnh, thành theo dòng Sunni ở Iraq sau khi các cuộc biểu tình vào đầu năm 2013 bị chính quyền trấn áp tàn khốc.

Nói chung, rất khó tìm thấy điểm chung nào giữa các thành phần ủng hộ ISIL trừ tất cả đều theo dòng Sunni và đều theo xu hướng cực đoan.

Liên minh của ISIL có thể được gọi là “liên minh quỷ dữ”. ISIL cần khả năng quân sự của các tay súng từng đứng trong hàng ngũ quân đội của Saddam Hussein. Càng tiến về gần thủ đô Baghdad, ISIL cũng cần kiến thức về địa bàn của các trưởng tộc.

Nhóm Khủng hoảng quốc tế ở Bỉ đã công bố báo cáo thuật lại lời người dân ở Mosul như sau: “Chúng tôi ở thế trên đe dưới búa. Một bên là một nhà lãnh đạo đất nước cai trị độc tài và sỉ nhục người Sunni ở Iraq, còn một bên là một nhà lãnh đạo ở Syria muốn tận diệt người Sunni ở Syria. Chính điều đó làm người dân trở nên cực đoan”.

Chưa rõ liên minh của ISIL bền vững hay không, dù vậy tín hiệu rạn nứt đầu tiên đã xuất hiện.

Cuối tuần trước, phiến quân ISIL đã đấu súng với lực lượng “Quân đội những người theo lệnh Naqshbandiyah” tại Hawija (tỉnh Kirkuk) làm 17 người thiệt mạng. Các nhân chứng cho biết hai phe bắn nhau để tranh giành xem ai sẽ tịch thu các bồn dầu hỏa.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bất ngờ đến Iraq

Ngày 23-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Baghdad (Iraq). Theo Reuters, ông sẽ gặp Thủ tướng Nouri al-Maliki để thuyết phục thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Chuyến thăm Iraq được giữ bí mật đến giờ phút chót vì lý do an ninh. Theo thông báo chính thức, Ngoại trưởng John Kerry thực hiện chuyến công du trong năm ngày đến Ai Cập, Jordan, Bỉ và Pháp nhằm tham vấn với các đồng minh và đối tác về tình hình Iraq.

Hôm 22-6, từ Cairo (Ai Cập), Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố ý thức hệ của các phiến quân ISIL là mối đe dọa không chỉ với Iraq mà cho toàn khu vực. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Iraq nên vượt qua chia rẽ về tôn giáo để thiết lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Ông khẳng định không thể giải quyết khủng hoảng Iraq bằng giải pháp quân sự, Mỹ không chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng Iraq và Mỹ cũng không tìm cách chọn người lãnh đạo cho Iraq.

Trả lời phỏng vấn hôm 22-6 (giờ địa phương), Tổng thống Obama cảnh báo đà tiến quân của ISIL ở Iraq có thể dẫn đến nguy cơ gây mất ổn định toàn khu vực. Ông nhận định nguy cơ có thể ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ như Jordan.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên tiếng chỉ trích các nước Ả Rập (ám chỉ Qatar và Saudi Arabia) giúp đỡ tài chính và quân sự cho phiến quân ở Iraq và Syria. Ông nói: “Chúng tôi cảnh báo các nước giúp đỡ quân khủng bố bằng tiền bán dầu hỏa nên chấm dứt làm như thế. Các nước này phải biết rằng ngày mai sẽ đến lượt mình”. Ông gọi ISIL là “quân man rợ khát máu người Hồi giáo, chặt đầu trẻ em và hiếp dâm phụ nữ Hồi giáo”.

Tiêu điểm

400

triệu USD tiền mặt trong các ngân hàng và 250.000 USD trong tủ sắt hội đồng thị chính đã lọt vào tay phiến quân sau khi TP Mosul thất thủ ngày 10-6. AFP đưa tin trước khi thất thủ, Mosul đã là “chùm khế ngọt” của ISIL. Mỗi tháng chúng thu được đến 12 triệu USD nhờ cưỡng đoạt tài sản, đòi tiền chuộc và tiền hối lộ. Chuyên gia Matthew Levitt, nguyên quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhận định ISIL đã có kinh nghiệm nhiều năm làm kinh tài bằng hoạt động tội phạm.

 DẠ THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm