Hôm 29-2, Mỹ và lực lượng Taliban đã chính thức ký thỏa thuận hòa bình lịch sử tại thủ đô Doha (Qata), tạo tiền đề chấm dứt cuộc chiến tranh 18 năm tại Afghanistan.
Bên cạnh nhiều nước hoan nghênh thỏa thuận này sẽ mang lại hòa bình lâu dài cho Afghanistan, một số ý kiến bày tỏ thận trọng khi cho rằng đây chỉ là khởi đầu cho chặng đường dài khó khăn phía trước, theo hãng tin Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Doha ngày 29-2 tham dự lễ ký kết thỏa thuận với phe Taliban. Ảnh: REUTERS
Mở ra chương mới cho hòa bình ở Afghanistan
Được biết thông qua các điều khoản ký kết trong thỏa thuận, các lực lượng Mỹ tại Afghanistan sẽ tiến hành đợt rút quân theo thời gian nếu các điều kiện được đáp ứng cho đến khi toàn bộ binh sĩ rời khỏi quốc gia Nam Á này.
Do đó, trong trường hợp thuận lợi với việc hai bên tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận đã ký, quá trình rút toàn bộ quân Mỹ và khối NATO ra khỏi Afghanistan có thể diễn ra trong vòng 14-18 tháng tới.
Đối với hàng triệu người dân Afghanistan, thỏa thuận này đã thắp lên hy vọng về một tương lai hòa bình khao khát lâu nay. “Chúng tôi hy vọng chiến tranh sẽ chấm dứt vĩnh viễn. Một thỏa thuận hòa bình lâu dài được ký kết và người Afghanistan sẽ bắt đầu một cuộc sống yên ổn hơn” - một cư dân thủ đô Kabul chia sẻ.
Nhiều nước cũng ngay lập tức hoan nghênh thỏa thuận lịch sử này. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc quốc Antonio Guterres ca ngợi thỏa thuận là một bước tiến quan trọng trong việc đạt được một giải pháp chính trị lâu dài tại Afghanistan.
Tuyên bố của ông Guterres cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm tình trạng bạo lực trên khắp Afghanistan, hối thúc các bên liên quan tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan, hướng tới một tiến trình hòa bình toàn diện cho quốc gia Nam Á này.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận lịch sử này sẽ mở đường cho việc ngừng bắn toàn diện và lâu dài cho hòa bình tại Afghanistan. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi dự đoán thỏa thuận sẽ biến Afghanistan thành vùng đất của hòa bình và thịnh vượng trong tương lai.
Reuters cho rằng thỏa thuận lịch sử với Taliban lần này có thể là cú hích cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới, sau một loạt các vấn đề khác chưa đạt được tiến triển như Triều Tiên, Iran hay Venezuela…
Còn nhiều khó khăn ở phía trước
Tuy nhiên, con đường để thực hiện thỏa thuận này đối mặt với không ít rào cản, trong đó có khả năng nội bộ Taliban bất đồng chính kiến hay các cuộc đàm phán phức tạp sắp tới giữa các phe phái nội bộ Afghanistan. Việc thuyết phục các nhóm Taliban cực đoan đồng ý tuân thủ thòa thuận cũng là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Bình luận về các diễn biến nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper dù khẳng định thỏa thuận này là một bước đi tích cực, song vẫn thừa nhận con đường phía trước sẽ không dễ dàng. "Đạt được hòa bình lâu dài cho Afghanistan đòi hỏi sự kiên nhẫn và thỏa hiệp giữa các bên" - chủ nhân Lầu Năm Góc phát biểu.
Nhiều chuyên gia an ninh cũng chỉ ra một mối lo ngại khác là bản thỏa thuận sẽ là bệ đỡ để Taliban chiếm được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, giành tính chính danh. Lâu nay, lực lượng này không công nhận tính chính danh và hợp pháp của chính quyền Afghanistan hiện tại, cáo buộc Kabul chỉ là "con rối của Mỹ và phương Tây" và chỉ Taliban mới là đại diện thực sự của người dân Afghanistan.
Có được tính chính danh, Taliban sẽ có nhiều lựa chọn và tiếng nói hơn khi tham gia đàm phán trên chính trường quốc tế và tiến tới giành vị thế trong nỗ lực cạnh tranh quyền lực với chính quyền Kabul.
Ngoài ra, việc Mỹ ký thỏa thuận riêng với Taliban đã vô tình đẩy chính quyền Afghanistan ra bên lề trong khi đây là thế lực chủ chốt hiện tại trong bối cảnh chính trị ở quốc gia Nam Á. Việc bị đặt ngoài bàn đàm phán như vậy nhiều khả năng sẽ khiến Kabul phật ý và không có lý do gì để ủng hộ thỏa thuận mới.
Đáng chú ý, một trong những điều khoản trong thỏa thuận là phía Taliban muốn chính quyền Afghanistan trả tự do cho khoảng 5.000 tay súng đang giam giữ trước ngày 3-10 năm nay.
Đến nay, cố vấn an ninh quốc gia nước này Hamdullah Mohib cho biết chưa có kế hoạch nào để hiện thực hóa yêu cầu trên. "Quan điểm của Kabul là không để bất kỳ lực lượng vũ trang lợi dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa an ninh đồng minh, các nước khác và Mỹ" - ông Mohib khẳng định.