Trung Quốc: Cách ly làm COVID-19 đột biến nguy hại hơn

Tờ South China Morning Post ngày 12-3 dẫn ba nghiên cứu khác nhau từ nhiều chuyên gia Trung Quốc khẳng định các biện pháp cách ly, phong tỏa để ngăn đà lây lan của dịch COVID-19 có thể đã khiến virus đột biến gen. Quá trình biến đổi này làm virus "nguy hại hơn" và khó phát hiện hơn. 

Được biết chính quyền Bắc Kinh ngày 23-1 đã cho đóng cửa toàn bộ TP Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc. Lệnh cấm này sau đó được mở rộng cho những thành phố khác cùng tỉnh, cách ly hoàn toàn 60 triệu dân ở đây. 

Trong nghiên cứu đầu tiên do nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Vũ Hán tiến hành, các chuyên gia phát hiện dấu hiệu bất thường ở các bệnh nhân COVID-19 nhập viện sau ngày 23-1 so với các ca trước đó.

Theo đó, những bệnh nhân sau ngày 23-1 không biểu hiện một hoặc nhiều các triệu chứng sau: Sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, tiết đờm,... Đây vốn là những triệu chứng thường thấy ở người nhiễm COVID-19. 

Nhóm nghiên cứu ghi nhận 50% nhóm bệnh nhân trên không có triệu chứng sốt, 70% không mệt mỏi, 80% không đau nhức cơ bắp.

Thậm chí, có 80 bệnh nhân còn không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào dù đã xác nhận dương tính với COVID-19.

Với các số liệu trên, nhóm chuyên gia ĐH Vũ Hán cho rằng các triệu chứng ban đầu của bệnh đã nhẹ đi sau khi lệnh phong tỏa được ban bố nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng kết luận sức lây lan của virus đang yếu dần.

"Các phát hiện trên hoàn toàn có thể là do virus đã đột biến", trưởng nhóm nghiên cứu Zhang Zhan nhấn mạnh. 

Nghiên cứu thứ hai do ĐH Bắc Kinh và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đồng thực hiện cũng cho ra kết quả tương tự.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích cấu trúc hệ gen của 103 bệnh nhân từ nhiều quốc gia khác nhau và phát hiện rằng virus gây dịch COVID-19 đã phát triển thành hai chủng khác nhau. 

Một nhân viên y tế khử trùng đường phố Vũ Hán (Ảnh chụp ngày 28-2). Ảnh: AFP

Hai chủng này chỉ khác nhau một vài nucleotide trong số hàng chục ngàn nucleotide có trong hệ gen của virus và được đặt tên là chủng S và chủng L.

Chủng S hoạt động ít tích cực hơn, chiếm tỉ lệ 4% các trường hợp nhiễm COVID-19. Trong khi đó, chủng L lây lan mạnh hơn, chiếm 96% số bệnh nhân.

Nhóm nghiên cứu cho rằng chủng L có thể đã tiến hóa từ chủng S nhưng chưa thể xác định độc lực của chủng L có cao hơn chủng S hay không.

Chủng L khá phổ biến trong giai đoạn đầu của dịch bệnh ở Vũ Hán vào cuối năm ngoái nhưng sự xuất hiện của nó giảm dần từ đầu tháng 1-2020 xuống chỉ còn 60%. Nhiều khả năng sự can thiệp của con người, nhất là các biện pháp phong tỏa và cách ly, đã tạo ra áp lực chọn lọc lớn hơn đối với chủng L.

"Nếu những thay đổi này không phải là lỗi hay dị biến của cấu trúc hệ gen của virus, các đột biến nói trên cần được nghiên cứu để xem nó ảnh hưởng tới độc tốc và khả năng lây truyền của virus như thế nào" - nhóm nghiên cứu cho biết. 

Hình minh hoạ cấu trúc của virus gây dịch COVID-19. Ảnh: THE VERGE

Nghiên cứu thứ ba do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hồ Bắc tiến hành cũng cho thấy COVID-19 tách thành hai chủng riêng biệt sau khi phân tích 146 mẫu bệnh phẩm. 

Nhóm nghiên cứu nói trên cũng khẳng định các thành phần cấu thành nên gen của virus đã thay đổi hoàn toàn sau khi nhà chức trách ban bố lệnh phong tỏa và sự đột biến này đang diễn ra trên toàn thế giới. Điều này cho thấy virus có khả năng thích nghi cao trên diện rộng. 

"COVID-19 có thể sẽ còn xuất hiện thêm nhiều đột biến khác theo thời gian dịch lan rộng. Điều này rất bình thường ở những virus có acid ribonucleic là vật liệu di truyền. Chúng thường đột biến thêm khi quá trình nhân bản diễn ra" - chuyên gia Paul Young thuộc ĐH Queensland (Úc) nhận xét. 

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu chia sẻ nên so sánh dữ liệu bệnh nhân ở Ý với các khu vực khác để hiểu rõ về virus gây dịch COVID-19.

South China Morning Post cho biết các chuyên gia vẫn chưa rõ virus Corona chủng mới hiện nay có cùng cơ chế hoạt động với virus gây dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) - một chủng khác của họ Corona hay không.

Một vấn đề khác cũng được giới y tế hết sức lưu tâm là liệu virus gây dịch COVID-19 có tự biến mất khi thời tiết thay đổi hay không. Dù một số nghiên cứu đã chỉ ra virus lây lan chậm lại ở những khu vực ấm hơn, song vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định dịch sẽ tự tàn vào mùa hè. 

Về việc dơi được cho là vật chủ lan truyền virus gây dịch COVID-19, kết luận này được đưa sau khi các nhà nghiên cứu nhận thấy trình tự gen của virus này có tỉ lệ tương đồng 96% với một chủng virus Corona khác trong cơ thể của quần thể dơi ở Vũ Hán. 

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nghiên cứu chỉ ra sự tương đồng nói trên đã được thực hiện từ nhiều năm trước và virus đã trải qua một thời gian dài trước khi trở thành chủng Corona gây dịch hiện nay.

Điều này đồng nghĩa với việc SARS-CoV-2 đã đột biến hàng trăm lần trong suốt quãng thời này với tốc độ đột biến vào khoảng một tới hai lần mỗi tháng.

Do đó, SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể đã hợp nhất với một vật chủ trung gian khác mà giới chuyên gia vẫn chưa xác định được. 

Tệ hơn, chuyên gia Wu Yonghua thuộc ĐH Northeast Normal (Trung Quốc) cảnh báo virus gây dịch COVID-19 có thể chỉ là virus mới nhất trong một loạt các dịch bệnh chuẩn bị phát triển và bùng phát trên thế giới sau khi nghiên cứu quy trình tiến hóa của 30 chủng virus Corona khác nhau. 

Trong số này, 10 chủng có dấu hiệu tiến hóa giống virus gây dịch COVID-19 và SARS đồng thời phát triển protein dằm (spike protein) tương tự để dễ bám vào tế bào của con người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm