Vì sao Venezuela rơi vào khủng hoảng chính trị?

Đến cuối tuần, một cuộc diễn tập quy mô lớn sẽ được tổ chức nhằm “đối phó với nguy cơ đe dọa từ bên ngoài” như lời Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố.

AFP nhận định Venezuela đang chìm trong hỗn loạn. Điện bị cúp bốn giờ mỗi ngày. Do thiếu điện, các cơ quan nhà nước chỉ làm hai ngày một tuần. Nạn cướp bóc các cửa hàng và tự xử bọn xấu (đánh đập, thiêu sống…) đã xảy ra.

Trong khi đó, phe đối lập thường xuyên tổ chức biểu tình. Tổng thống Nicolas Maduro khẳng định Mỹ đang hậu thuẫn cho phe đối lập trong khi báo MỹWashington Post dẫn nguồn từ cơ quan tình báo Mỹ nhận định chính quyền Venezuela sẽ bị quần chúng nổi dậy lật đổ trong năm nay.

Venezuela bắt đầu rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội từ khi liên minh đối lập chiến thắng trong bầu cử Quốc hội cuối năm ngoái. Đến tháng 5, phe đối lập tập hợp 1,8 triệu chữ ký ủng hộ tổ chức trưng cầu ý dân để phế truất tổng thống.

Ngày 15-5, Phó Tổng thống Aristobulo Isturiz thẳng thừng tuyên bố tổng thống sẽ không từ bỏ quyền lực qua trưng cầu ý dân bởi lẽ sẽ không có trưng cầu ý dân nào hết. Ông nhấn mạnh: “Họ (phe đối lập) phải giết sạch chúng tôi trước khi tổ chức đảo chính ở Quốc hội”.

Báo Le Mondeghi nhận khủng hoảng chính trị ngày càng tệ hơn xuất phát từ khủng hoảng kinh tế. Venezuela chuyên khai thác và xuất khẩu dầu thô nhưng lại thiếu xăng vì không có nhà máy lọc dầu nên phải nhập xăng dầu từ nước ngoài. Hồi tháng 2, Tổng thống Nicolas Maduro buộc phải tăng giá xăng 6.000% do giá xăng ở Venezuela thuộc loại rẻ nhất thế giới. Ví dụ này cho thấy Venezuela chỉ sống phụ thuộc vào dầu thô.

Đến khi giá dầu thô thế giới tụt giảm, kinh tế Venezuela bắt đầu suy sụp. Năm 2015, lạm phát tăng vọt đến 180,9%. GDP giảm năm thứ hai liên tiếp chỉ còn 5,7%.

Chuyên gia Jean Rivelois ở Viện Nghiên cứu phát triển (Pháp) nhận định Venezuela “không có lợi nhuận nào thu được từ sản xuất”. Chuyên gia Olivier Compagnon, Giám đốc Viện Nghiên cứu cấp cao về Mỹ La tinh, ghi nhận: “Venezuela sống với niềm tin rằng dầu thô sẽ giúp vượt qua mọi khủng hoảng. Bây giờ thì Venezuela phải trả giá cho một thế kỷ chỉ xuất khẩu một mặt hàng dầu thô”.

Ngoài ra phải kể đến tình trạng đầu tư cho cơ sở hạ tầng không mang tính dự báo, ví dụ như sản xuất điện chỉ trông chờ vào vài đập thủy điện. Hiện nay điện không đủ đáp ứng nhu cầu quốc gia do khô hạn kéo dài liên quan đến El Nino. Trong bối cảnh đó, chính phủ Venezuela đã đánh mất sự ủng hộ của tầng lớp cử tri chủ chốt là giai cấp bình dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm