Một bộ quy tắc hàng hải chung cho ASEAN

Từ lâu ASEAN và thế giới cứ lầm tưởng cơ chế quản lý khủng hoảng của Trung Quốc (TQ) là quân đội gây ra khủng hoảng rồi Bộ Ngoại giao đi giải quyết. Vì thế trách nhiệm của chính phủ TQ không được tính đến.

Trong khi đó, tạp chí Mỹ The National Interest ngày 10-6 (giờ địa phương) ghi nhận sau khi triển khai giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, TQ đã chuyển từ chiến thuật đánh nhỏ lẻ sang đánh phủ đầu để bảo vệ tuyên bố chủ quyền. Vì lẽ đó, đây là lúc ASEAN và thế giới cần thay đổi quan điểm nêu trên.

Cuối tháng 5, tàu TQ cố ý đâm chìm tàu cá Việt Nam. Ngày 1-6, tàu TQ tiếp tục đâm húc tàu cảnh sát biển Việt Nam (tàu CSB 2016). Dự báo TQ sẽ không tiết giảm hành động dù bị nhiều quan chức cấp cao của Úc, Nhật và Mỹ chỉ trích tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng trước.

Báo The Philippine Star của Philippines ngày 22-5 đăng trên trang nhất bài viết với tựa đề “Philippines, Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược”.

Trong cuốn sách với tựa đề Vạc dầu sôi châu Á (Asia’s Cauldron) xuất bản vài tháng trước, tác giả Robert D. Kaplan (chuyên gia trưởng cơ quan phân tích toàn cầu Stratfor) nhận định thái độ sắp tới của ASEAN với TQ sẽ do Việt Nam quyết định.

Lý do bởi Malaysia đang ở trong thế yếu, Brunei thì đã thỏa thuận giải quyết vấn đề biển Đông với TQ, Indonesia không có chính sách đối ngoại rõ ràng về vấn đề biển Đông. Trong khi đó Singapore có năng lực nhưng lại là nước nhỏ, còn Philippines dù thường xuyên thể hiện thái độ quyết liệt một cách khéo léo đối với TQ nhưng giữ khá ít quân bài.

GS Carl Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc nhận định ASEAN không thể để mặc Việt Nam vẫy vùng trong khó khăn với TQ như đã từng làm với Philippines hồi năm ngoái.

Ông nhận định TQ không hề muốn đạt một thỏa thuận đa phương nào hết; TQ vẫn cho rằng nhất trí Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở biển Đông với ASEAN là sai lầm và sẽ không có chuyện ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Như vậy, thay vì chăm chăm để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông với TQ, ASEAN nên thương lượng nội bộ để đạt một bộ quy tắc hàng hải chung. Bộ quy tắc hàng hải chung này sẽ làm gia tăng tính thống nhất, gắn kết và độc lập khu vực của ASEAN, mang lại cho ASEAN vị trí trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực. Đây cũng sẽ là hành động đáp trả có ý nghĩa với sức mạnh TQ.

Trong khi đó, báo Today Online (Singapore) nhận định va chạm giữa TQ với các nước ASEAN ngày càng gia tăng với mức độ trầm trọng. Do đó để tránh khả năng xảy ra xung đột vũ trang, bảo toàn an ninh và quyền lợi kinh tế trong khu vực, ASEAN cần phải thể hiện thái độ quyết liệt trực diện với TQ.

Báo Today Online nhận định một cây đũa bị bẻ gãy dễ dàng nhưng một bó đũa thì không, vì thế các nước ASEAN cần liên kết lại với nhau. Báo Inquirer (Philippines) nhận định: Nếu để TQ tự do hành động như đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, sớm muộn gì TQ cũng sẽ làm như thế với các nước tranh chấp khác. Do vậy ASEAN cần phải cương quyết để bảo vệ quyền lợi các nước thành viên.

ĐĂNG KHOA

Báo Inquirer (Philippines) đưa tin ngày 13-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết hồi tuần trước, Philippines đã gửi công hàm phản đối TQ cải tạo bãi đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) sau khi Philippines đã xác minh. Công hàm khẳng định hành động đơn phương khiêu khích nhằm hiện thực hóa tuyên bố đường lưỡi bò của TQ đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông. Hồi đầu tháng 4, Philippines đã gửi công hàm phản đối TQ xây dựng trên bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef). Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định TQ âm mưu thay đổi hiện trạng từ bãi đá Gạc Ma thành đảo Gạc Ma.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm