Mỹ sẽ nâng độ gắn bó với ASEAN lên mức 'chưa từng có'

Hãng Reuters dẫn lời quan chức ngoại giao Mỹ ngày 8-12 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ nâng mức độ gắn bó của Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lên mức "chưa từng có".

Thông tin trên được đưa ra trước chuyến thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: REUTERS

Ông Daniel Kritenbrink - trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương – hôm 8-12 cho biết khía cạnh an ninh trong chuyến công du của ông Blinken sẽ tập trung vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh khu vực để đối phó sự "bắt nạt" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Blinken sẽ tới Anh để tham dự cuộc họp của ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trước khi thăm Indonesia, Malaysia và Thái Lan từ ngày 9-12 đến ngày 17-12.

“Tổng thống Biden cam kết nâng cam kết Mỹ-ASEAN lên mức chưa từng có, mở rộng sự tham gia và hợp tác chính thức của chúng tôi thông qua các cuộc họp cấp bộ trưởng về khí hậu và môi trường, năng lượng, y tế, giao thông vận tải, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ” – ông Kritenbrink nói.

“Có sự hội tụ to lớn giữa các đối tác của chúng tôi trong khu vực, gồm cả ba quốc gia ở Đông Nam Á này” – ông Kritenbrink cho hay.

Ông Kritenbrink nói thêm: "Sự hội tụ về tầm nhìn mà chúng tôi có cho loại khu vực mà chúng tôi muốn sống ... một khu vực không có sự ép buộc, một khu vực mà các nước lớn không bắt nạt nước yếu và nơi tất cả các nước làm việc theo luật".

Theo ông Kritenbrink, Mỹ không yêu cầu các nước trong khu vực chọn bên, mà muốn đảm bảo rằng họ có khả năng đưa ra quyết định của riêng mình.

"Chúng tôi chọn tầm nhìn đó về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, trong đó tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, đều tuân theo luật lệ" – vị trợ lý nói thêm.

Theo vị trợ lý, ông Blinken sẽ thảo luận các kế hoạch về một "khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", vốn Tổng thống Biden hồi tháng 10 đã nói với các nhà lãnh đạo châu Á rằng Washington sẽ khởi động các cuộc đàm phán.

Ông Kritenbrink cho biết khuôn khổ này sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm tạo thuận lợi thương mại, nền kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, khử cacbon, năng lượng sạch và tiêu chuẩn lao động.

Các nhà phê bình cho rằng chiến lược châu Á của chính quyền ông Biden nhằm đối phó ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc có thể đã thiếu yếu tố quan trọng này kể từ khi người tiền nhiệm Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm