Ngày 2-7, hãng tin Reuters dẫn kết quả kiểm phiếu trưng cầu dân ý của Ủy ban Bầu cử trung ương Nga cho thấy 78% cử tri toàn quốc đồng ý sửa đổi hiến pháp nước này. Trong hơn 200 thay đổi mới từ đảm bảo mức lương tối thiểu đến siết chặt quy định kết hôn đồng giới, nội dung mới đáng chú ý nhất là tính lại từ đầu số nhiệm kỳ của đương kim Tổng thống Vladimir Putin, mở đường cho ông lãnh đạo thêm tối đa hai nhiệm kỳ nữa đến năm 2036.
Vladimir Putin - người tạo ra thay đổi
Nhìn lại lịch sử, ông Vladimir Putin đã bốn lần giữ trọng trách tổng thống Nga, gồm hai nhiệm kỳ bốn năm (2000-2008) và hai nhiệm kỳ sáu năm (2012-2024). Trả lời phỏng vấn của kênh Rossiya 1 hôm 21-6, chính trị gia này khẳng định không loại trừ khả năng sẽ tái tranh cử nếu được hiến pháp mới cho phép.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Nga từ một quốc gia gặp nhiều khủng hoảng giai đoạn hậu Liên Xô đã chuyển mình hoàn toàn trên nhiều phương diện, từ kinh tế, ổn định chính trị - xã hội đến vị thế quốc tế, theo đài RT. Đây là sự thật không chỉ được người dân Nga công nhận rộng rãi mà đến các nước phương Tây cũng phải thừa nhận.
Đơn cử, ông Putin đã vực dậy tầm ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông, bán hệ thống phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ, giao dịch vũ khí với đồng minh chủ chốt của Mỹ là Saudi Arabia. Nga cũng đang hướng tới mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Phi. “Nếu so sánh Nga của hôm nay với Nga của năm 2000, khi ông Putin lên nắm quyền, đất nước này đã tốt hơn rất nhiều” - cựu quan chức cấp cao của Mỹ về chính sách Nga Thomas Graham trả lời hãng tin Bloomberg.
Bloomberg còn cho hay một thành tựu đáng kể khác của ông Putin là khả năng mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu nhưng không cần chi nhiều ngân sách quốc phòng như Mỹ. Ông Putin cũng nhiều lần khẳng định rằng Nga đang đi trước một bước các cường quốc trong một số lĩnh vực liên quan tới nghiên cứu công nghệ quân sự mới như các loại tên lửa siêu thanh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một buổi họp báo ở điện Kremlin vào tháng 12-2019. Ảnh: TASS
Về kinh tế, GDP của Nga lúc ông Putin mới nắm quyền trong năm 2000 chỉ vỏn vẹn 260 tỉ USD nhưng đến năm 2018 đã đạt mức 1.600 tỉ USD. Ngoài ra, tình hình ngân sách của nước này hiện không bị thâm hụt đáng kể, vẫn đảm bảo duy trì được các khoản nợ ở mức thấp và sở hữu một lượng dự trữ ngoại tệ và vàng lớn nhất thế giới. Giới chuyên gia cho rằng Nga đã trở nên thận trọng hơn về mặt kinh tế sau khi bị Mỹ và phương Tây áp lệnh trừng phạt năm 2014 liên quan tới việc sáp nhập bán đảo Crimea.
“Ông Putin đã xây dựng được tiềm lực kinh tế Nga đủ mạnh giúp họ vượt qua được các lệnh trừng phạt dồn dập từ phương Tây, đồng thời củng cố sức chống chọi của Nga trước những cơn bão kinh tế như giá dầu giảm hoặc suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19” - Bloomberg bình luận.
Với những thành tựu trên, không có gì là khó hiểu khi đông đảo người Nga muốn ông Putin tiếp tục giữ chức tổng thống thêm nhiều nhiệm kỳ nữa. Trên thực tế, tỉ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo này hầu như chưa từng rơi xuống dưới mức 65%, một con số tương đối cao nếu so với lãnh đạo ở các nước phương Tây. Mức ủng hộ thấp nhất mà Tổng thống V. Putin nhận được là trong giai đoạn đầu ứng phó với COVID-19 khi giảm còn 59% nhưng nhanh chóng tăng trở lại sau đó nhờ các biện pháp kịp thời hỗ trợ đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Nga đã trở nên mạnh mẽ hơn, được tôn trọng và có ảnh hưởng hơn. Những thay đổi này không chỉ cần được củng cố mà mọi thứ phải được thực hiện để đất nước có cơ hội phát triển. VYACHESLAV VOLODIN, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga |
Tương lai mới chờ đợi nước Nga
Phát biểu trên truyền hình ngày 30-6, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh người dân Nga nên đi bỏ phiếu vì tương lai của một đất nước với nền giáo dục và y tế hiện đại, với hệ thống an sinh xã hội vững chắc và chính quyền hiệu quả có trách nhiệm với xã hội, theo tờ The Moscow Times.
Ông nhấn mạnh đoàn kết sẽ giúp nước Nga giải quyết được những nhiệm vụ khó khăn nhất trong những thời khắc phức tạp nhất. Tổng thống Putin khẳng định chỉ bằng sự phát triển, đoàn kết và tự lực tự cường, người dân Nga mới có thể đảm bảo được cuộc sống ổn định, an toàn và hạnh phúc.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích đánh giá việc có cơ hội lãnh đạo thêm hai nhiệm kỳ nữa sẽ giúp Tổng thống Putin có cái nhìn rộng hơn và có thể tính toán xa hơn về các chiến lược củng cố hơn nữa vị thế Nga.
Một trong những vấn đề mà chắc chắn ông sẽ có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị là làm thế nào để thích nghi với một Trung Quốc đang trỗi dậy ở châu Á. Hiện cả hai quốc gia này đều chung quan điểm là muốn gạt bỏ trật tự toàn cầu do Mỹ thiết lập và các quan niệm hệ thống quy tắc áp đặt các giá trị phương Tây để vươn lên. Tuy nhiên, quan hệ hai bên liệu có còn tốt đẹp trong tương lai hay không trước tham vọng không ngừng của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào khả năng lèo lái của ông Putin sắp tới.
Điện Kremlin: Nga không có vị trí “tổng thống trọn đời” Trả lời hãng tin TASS ngày 1-7, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định hiến pháp Nga không có vị trí “tổng thống trọn đời”. “Quyết định của người dân vẫn là quan trọng nhất. Hiện tại người dân muốn Tổng thống Vladimir Putin thì ông ấy sẽ tiếp tục phục vụ lợi ích chung. Tuy nhiên, vẫn có khả năng trong tương lai sẽ có người lên thay nếu đủ năng lực” - ông Peskov nhấn mạnh. Dù vậy, ý tưởng muốn ông Putin làm tổng thống trọn đời không phải là không có ý kiến ủng hộ. Trong một cuộc họp của Trung tâm đối phó cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 của Nga cùng ngày, ông Ramzan Kadyrov, người đứng đầu CH Chechnya thuộc Nga, đã đề xuất đưa ông Vladimir Putin trở thành “tổng thống trọn đời”. “Chúng ta nên bầu ông Vladimir Putin làm tổng thống trọn đời vì hiện ai có thể thay thế ông ấy? Không có một nhà lãnh đạo chính trị như thế trên phạm vi toàn cầu và chúng ta nên tự hào về điều này” - ông Kadyrov nói. |