Tạp chí The National Interest của Mỹ nhận xét rằng việc Mỹ bắt đầu bán tàu ngầm hạt nhân cho các đồng minh có thể trở thành “cơn ác mộng” đối với Nga và Trung Quốc.
Cây bút quân sự Harry J. Kazianis của chuyên san quân sự The National Interest gần đây đăng một bài báo tiết lộ những gì sẽ trở thành “cơn ác mộng tồi tệ nhất của Nga và Trung Quốc”.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia John Warner của Mỹ. Ảnh: REUTERS
Trong bài báo, ông Kazianis cho hay những người ra quyết định trong Lầu Năm Góc có ý tưởng bán hoặc cho Úc và các đồng minh khác thuê 10 hoặc 12 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia.
Ông Kazianis viết rằng động thái này sẽ cho phép Mỹ hạn chế tác động từ việc Trung Quốc tăng cường xây dựng lực lượng hàng hải, đồng thời khiến mạng lưới chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc ở Thái Bình Dương trở nên lỗi thời.
Điều đáng lưu ý là chưa có đại diện quân sự nào của Mỹ đến nay công khai đề cập việc bán vũ khí công nghệ cao này cho một quốc gia nước ngoài.
Các chuyên gia quân sự Nga cũng tranh cãi về vấn đề này. Nếu kịch bản được mô tả trên tờ The National Interest được thực hiện, chắc chắn nó sẽ thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh và nghiêng về phương Tây ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok nói rằng việc coi điều này có thể trở thành thảm họa cho Trung Quốc là sự thổi phồng quá mức.
“Hải quân Trung Quốc đang được tăng cường với tốc độ ấn tượng đến mức nước này sẽ trở thành một cường quốc trên biển mạnh nhất không chỉ ở Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới trong tương lai gần. Các bạn sẽ không thể làm Trung Quốc kinh hãi chỉ với 10 hay 12 chiếc tàu mà sẽ chỉ đặt họ vào tình trạng cạnh tranh” - ông Khodarenok nhận xét.
Trung Quốc sẽ phải sửa đổi các chương trình đóng tàu và đẩy mạnh công việc này tại các xưởng đóng tàu nhằm đáp ứng thách thức mới, song nước này đã và đang có mọi thứ để đạt được điều này, chuyên gia Nga khẳng định.
Việc người Mỹ “chia tay” toàn bộ 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của họ cũng là một dấu hỏi bởi “điều đó sẽ làm suy yếu hải quân Mỹ. Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm 1/3 hạm đội tàu ngầm lớp Virginia” - ông Khodarenok chỉ ra.
Nếu Úc bằng cách nào đó có được số tàu ngầm này thì cũng không phải vấn đề gì lớn lao đối với Nga do các lý do địa chính trị thuần túy, ông Vladimir Batyuk, nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện USA và Canada, đánh giá. Kể ra khoảng cách giữa Úc và Nga là 10.000 km.
“Tôi chưa từng nghe về bất kỳ kế hoạch nào của Úc tiến hành các chiến dịch hải quân gần các vùng biển của Nga. Đó có thể trở thành vấn đề đối với Trung Quốc nhưng không phải với Nga”.
Ông Batyuk cho hay ngoài Úc, ông không thể nghĩ ra có bất kỳ quốc gia nào khác nằm gần các biên giới của Nga có thể mua hoặc thuê tàu ngầm của Mỹ.
“Các đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không chi tiêu nhiều cho quốc phòng và đã có một số bất hòa bên trong khối này. Những nước đáp ứng chỉ tiêu dành ra 2% GDP cho quốc phòng (mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra) là Ba Lan và Estonia. Không có khả năng họ có thể tìm đủ nguồn tiền để mua tàu ngầm hạt nhân” - ông Batyuk lập luận.
Hải quân Mỹ đã nói với Quốc hội rằng họ dự kiến vận hành tổng cộng 39 tàu ngầm hạt nhân tấn công trên toàn cầu vào năm 2030. Trong trường hợp khủng hoảng tây Thái Bình Dương xảy ra vào khung thời gian đó thì có thể có 30-31 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công sẵn có phục vụ cho các chiến dịch và hải quân Mỹ có thể triển khai khoảng 20-24 chiếc vào khu vực hoạt động chính. Nếu Mỹ có thể dựa vào sự hợp tác chặt chẽ của 8-10 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công của Úc với các tàu Mỹ thì điều này có thể tương đương với việc Mỹ nhận được 30%-40% nguồn bổ sung tác chiến, theo The National Interest. |