Cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực xem xét mua các máy bay chiến đấu thế hệ 5 do Nga và Trung Quốc sản xuất nếu thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về việc mua 100 tiêm kích F-35 sụp đổ, tờ Yeni Safak thân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đưa tin.
Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch B, C, D
Theo tờ Yeni Safak, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị các kế hoạch B, C và D phòng trường hợp dự án F-35 đổ bể sau khi nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 của Nga.
Tiêm kích đa nhiệm tàng hình J-31 của Trung Quốc. Ảnh: National Interest
Những kế hoạch này được cho bao gồm việc đẩy nhanh các nỗ lực của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ trong phát triển các máy bay chiến đấu nội địa, các cuộc đàm phán với Nga về cung cấp bản thiết kế tiêm kích mới của tập đoàn Sukhoi- tiêm kích Su-57 và cân nhắc mua tiêm kích đa nhiệm tàng hình mới Thẩm Dương FC-31 (còn gọi là J-31) của Trung Quốc.
“Những máy bay này đáng chú ý ở giá thành rẻ hơn so với F-35- giá mỗi chiếc khoảng 100 triệu USD” – tờ Yeni Safak lưu ý. Ngoài ra, “Ankara đã nghĩ tới chuyện ngay cả khi những chiếc F-35 được bàn giao, chúng cũng sẽ tạo ra các rủi ro an ninh nghiêm trọng cho Thổ Nhĩ Kỳ bởi chúng do Mỹ trực tiếp điều khiển. Do đó, không ai thấy hối tiếc khi “để mất” những chiếc F-35” – tờ báo nhấn mạnh.
Tháng trước, Tập đoàn Rostec của Nga tái khẳng định Nga sẵn sàng khai phá khả năng bán tiêm kích Su-57 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu thỏa thuận của Ankara với Washington về cung cấp F-35 không diễn ra như dự định.
Trước đó, một nguồn tin trong ngành công nghiệp hàng không tiết lộ Su-57 đã có được giấy phép xuất khẩu. Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo rằng Ankara sẽ đáp ứng nhu cầu tiêm kích hiện đại của mình ở nơi khác nếu Washington hủy bỏ cam kết bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan trong một lá thư đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tới ngày 31-7 phải rút lại thương vụ S-400 với Nga, đồng thời cảnh báo Washington sẽ đình chỉ sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35 nếu nước này quyết mua hệ thống của Nga.
Hôm 11-6, Cục trưởng Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir xác nhận Mỹ vẫn chưa hồi đáp đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ về lập ra một nhóm làm việc chung nhằm thỏa luận các đe dọa cho các hệ thống của Thổ Nhĩ Kỳ mà Mỹ cho là S-400 đem lại. Ngoài ra, ông Demir khẳng định vấn đề S-400 đã khép lại.
Đe dọa của Mỹ về chương trình F-35 không phù hợp tình thần của NATO
Theo hãng tin RT. Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích lá thư gửi từ Mỹ, trong đó cảnh báo về việc loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, mô tả ngôn từ được sử dụng trong thư không xứng là của một đồng minh NATO.
Chiếc tiêm kích F-35C của Mỹ bay trên tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tàng hình Zumwalt của hải quân Mỹ ở Vịnh Chesapeake năm 2016. Ảnh: Defense News
Hãng tin Reuterstrích dẫn một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay cảnh báo của ông Shanahan không phù hợp với tinh thần của khối liên minh NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gửi phản hồi chính thức tới lá thư này trong vài ngày tới.
Ông Akar lưu ý ông sẽ thảo luận vấn đề này với ông Shanahan tại cuộc gặp NATO vào cuối tháng nay, song khẳng định lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn cùng Nga sản xuất S-400
Trong bài phát biểu ở thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tái khẳng định thỏa thuận mua S-400 đã khép lại.
“Tôi không nói Thổ Nhĩ Kỳ đang mua hệ thống S-400. Tôi nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã mua chúng rồi, và đây là một thỏa thuận đã hoàn tất. Chúng sẽ được chuyển giao vào tháng tới” – ông Erdogan nói với kênh NTV.
Nga thông báo sẽ bàn giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong hai tháng. Ảnh: SPUTNIK
Ông Erdogan cũng hy vọng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm khởi động việc hợp tác sản xuất những hệ thống này.
“Chúng tôi đã ký hợp đồng này không chỉ bởi vì giá tốt mà còn vì cơ hội sản xuất chung. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ bắt đầu việc này sớm” –ông Erdogan nói thêm.
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Alexey Yerkhov trước đó ngày 12-6 khẳng định rằng Moscow sẽ tôn trọng tất cả cam kết có trong thỏa thuận.