Hy Lạp xem việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 của Nga là vấn đề của khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Evangelos Apostolakis cho hay tại một hội nghị quốc phòng hôm 6-6, theo hãng tin Sputnik.
“Đây là một trong những vấn đề bởi vì hệ thống S-400 nếu đặt trên đất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy các hệ thống phòng không trong khu vực vào một tình huống khác”, ông Apostolakis nói trước hội nghị quốc phòng tại Viện Hòa bình Mỹ ở Washington hôm 6-6.
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Evangelos Apostolakis. Ảnh: The National Herald
Ông Apostolakis lý giải rằng Hy Lạp giờ đây sẽ phải thực hiện các kế hoạch quốc phòng theo một cách khác trước sự hiện diện của hệ thống vũ khí mới.
“Tiêm kích F-35 và hệ thống S-400 làm thay đổi hoàn toàn sức mạnh trong khu vực”, ông Apostolakis nói.
Tháng 12-2017, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ hợp S-400 đầu tiên dự kiến được bàn giao trong tháng 6.
Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chỉ trích sự hợp tác quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, nói rằng hệ thống S-400 đặt ra các lo ngại an ninh do S-400 không tương thích với các hệ thống được NATO sử dụng.
Hy Lạp cho rằng hệ thống S-400 nếu đặt trên đất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy các hệ thống phòng không trong khu vực vào một tình huống khác. Ảnh: SPUTNIK
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên tham gia dự án phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ. Mỹ đã đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì kế hoạch mua S-400, nhiều lần dọa trì hoãn hoặc hủy bàn giao tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáp lại, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng việc mua các trang thiết bị quân sự là quyền chủ quyền của nước này và loại bỏ khả năng từ bỏ kế hoạch mua S-400 từ Nga.
Hy Lạp muốn mua F-35 đối phó Thổ Nhĩ Kỳ
Theo trang tin The National Herald (Anh), Hy Lạp được cho đang cân nhắc mua tiêm kích mới sau khi nói muốn nâng cấp phi đội tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất đã cũ kỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Apostolakis cho hay kế hoạch mua tiêm kích F-35 do Mỹ sản xuất đang được tính đến.
“Ngoài việc nâng cấp các tiêm kích F-16, chúng tôi đang trong quá trình chọn một loại máy bay mới cho Hy Lạp, từ đó chúng tôi có thể dần dần chuyển sang máy bay thế hệ mới”, ông Apostolakis nói hồi tháng 4.
Tiêm kích F-35A của Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Hy Lạp lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sở hữu máy bay trong dòng tiêm kích F-35 vượt trội hơn so với những chiếc F-16 mà các phi công Hy Lạp sử dụng. Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên xâm phạm không phận nước mình và phi công hai nước tham gia các trận không chiến.
Mỹ được cho là đang cân nhắc để Hy Lạp cùng với Romania và Ba Lan mua tiêm kích F-35, một động thái có thể làm leo thang căng thẳng với Nga.
Trong khi đó, một quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ Mỹ muốn để cho năm quốc gia là đồng minh châu Âu của Mỹ sở hữu tiêm kích này, trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Nga ngày càng tăng.
Trong một bản khai viết tay gửi tới Viện Dân biểu Mỹ được hãng tin Reuters tiết lộ, Phó Đô đốc Mathias Winter – người đứng đầu văn phòng F-35 của Lầu Năm Góc- cho hay khách hàng tiềm năng của F-35 còn bao gồm Singapore và Tây Ban Nha.
Ngoài ra, Phần Lan, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng muốn sở hữu tiêm kích hiện đại này.
F-35, do nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin sản xuất, là máy bay chiến đấu đa nhiệm tàng hình một chỗ ngồi, một động cơ. F-35 được thiết kế để thực hiện các sứ mệnh tấn công mặt đất và không chiến.
Theo trang tin Greek Greece Reporter, Mỹ có kế hoạch mua 2.663 chiếc F-35, sẽ cung cấp phần lớn cho lực lượng không quân chiến thuật của Không quân Mỹ, Hải quân và Thủy quân Lục chiến trong những thập niên tới.