Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison ngày 5-6 nói với kênh CNBC rằng Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 của Nga có thể góp phần vào việc Nga nỗ lực phá vỡ khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bà Hutchison cáo buộc Nga đang tiếp tục tìm cách làm suy yếu khối liên minh quân sự này. Bà cũng cảnh báo rằng việc đặt S-400 trong cùng một hệ thống kiểm soát quân sự với tiêm kích tàng hình F-35 là không thể chấp nhận được.
Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp sức ép từ Mỹ tuyên bố thương vụ S-400 với Nga đã hoàn tất. Ảnh: AFP
“Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ không nhận được những chiếc F-35 mà họ đã đặt hàng. Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn một trong hai chứ không thể có cả hai”, bà Hutchison nhấn mạnh.
Các tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại NATO đưa ra sau khi Quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế Kathryn Wheelbarger tại Hội đồng Atlantic ở Washington hồi cuối tháng 5 nói rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai S-400 trong quân đội của họ sẽ “phá hủy” chương trình phát triển F-35 của Mỹ.
Bà Wheelbarger cũng cảnh báo S-400 có thể phá vỡ khả năng hiệp đồng tác chiến của Ankara tại NATO vì hệ thống của Nga được thiết kế để bắn rơi máy bay Mỹ.
Về phần mình, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ Serdar Kilic khẳng định máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ sẽ không được triển khai trong tầm hoạt động của hệ thống S-400.
Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Moscow không đồng ý với nỗ lực gây sức ép của Mỹ lên Thổ Nhĩ Kỳ để từ bỏ S-400. “Chúng tôi cho rằng những tối hậu như vậy là không thể chấp nhận được”, ông Peskov tuyên bố.
Bình luận của ông Peskov nhắc tới chuyện Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tới hết tuần đầu tiên của tháng 6 phải hủy thương vụ S-400 với Nga, bằng không Washington sẽ áp trừng phạt vào Ankara hoặc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển tiêm kích F-35.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần nhấn mạnh rằng việc họ mua thiết bị quân sự là thuộc quyền chủ quyền của nước này và loại bỏ khả năng rút lại kế hoạch mua S-400.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận trị giá 2,5 tỉ USD cung cấp bốn tổ hợp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối năm 2017. Tổ hợp S-400 đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào tháng 7.
Hai ông Trump-Erdogan có đạt được thỏa thuận?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có kế hoạch gặp nhau và thảo luận về vấn đề S-400 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với tờ The National của UAE rằng “các cuộc thảo luận vẫn tiếp tục với phía Thổ Nhĩ Kỳ”, thêm rằng lập trường của Mỹ vẫn không thay đổi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ năm 2017. Ảnh: REUTERS
Trả lời trang tin Ahval, Nicholas Danforth, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Marshall Đức, cho hay không có dấu hiệu cho thấy cả Ankara và Washington đã thay đổi lập trường.
Ryan Bohl, một nhà phân tích về Trung Đông và Bắc Phi tại hãng tình báo Mỹ Stratfor, chỉ ra rằng nếu ông Trump đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ thì việc chuyển giao S-400 tới Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể kích hoạt lệnh trừng phạt ở Quốc hội Mỹ.
“Có sự kết nối không đồng bộ lớn về phía Mỹ. Quốc hội cương quyết rằng không nên có tổ hợp S-400 nào được bàn giao, nhưng dường như Tổng thống Trump đang cố gắng tìm được một thỏa thuận bằng mọi cách”, ông Bohl nhận định.