Số người chết và nhiễm virus Corona ở Trung Quốc tăng nguy hiểm từng ngày. Theo số liệu Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố sáng 1-2, tính đến hết ngày 31-1 cả Trung Quốc có đến 259 người chết, 11.791 người nhiễm. Lượng người chết và nhiễm bệnh nhiều nhất ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - tâm điểm xuất phát dịch.
Số ca nhiễm đã vượt quá số ca nhiễm SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) những năm 2002-2003. Dịch nghiêm trọng đến mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhằm nối kết các nước cùng Trung Quốc kiểm soát dịch. Bản thân Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp chưa có tiền lệ chống lại dịch, trong đó cả phong tỏa tỉnh Hồ Bắc với 60 triệu dân.
Ở địa phương có số ca tử vong chiếm 95% cả nước, số ca nhiễm chiếm 60% cả nước, những người cảm nhận rõ nhất áp lực từ dịch không ai khác có lẽ là các bác sĩ, y tá đang làm việc ở Vũ Hán, theo báo Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Những người cảm nhận rõ nhất áp lực từ dịch virus Corona không ai khác có lẽ là các bác sĩ, y tá đang làm việc ở Vũ Hán. Ảnh: THX
Lực lượng bác sĩ, y tá ở Vũ Hán đang là những người đang ở tuyến đầu cuộc chiến chống dịch. Không chỉ đánh cược với mạng sống của mình với nguy cơ lây nhiễm cao khi cứu chữa bệnh nhân, các bác sĩ y tế ở đây đang phải căng mình làm việc trong điều kiện vừa thiếu các nguồn lực y tế cơ bản vừa phải chịu đe dọa từ các bệnh nhân mất kiểm soát khi bên bờ vực sống chết.
Bác sĩ bận cả tã để khỏi đi vệ sinh
500.000 nhân viên y tế ở Hồ Bắc bỏ cả dịp tết Nguyên đán trực chiến chống dịch. Trung Quốc cho biết đã huy động hơn 6.000 nhân viên y tế bên ngoài hỗ trợ các đồng nghiệp ở tỉnh Hồ Bắc giúp cứu chữa bệnh nhân. Các quân chủng lục quân, hải quân, không quân Trung Quốc cũng gửi bác sĩ quân y đến tăng cường tại ba bệnh viện chính đang đầy bệnh nhân ở Vũ Hán.
Ngoài ba bệnh viện này nhà chức trách đang khẩn trương xây dựng thêm hai bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán để cứu chữa bệnh nhân nhưng chưa thể sử dụng.
Bác sĩ Vũ Hán phải bận cả tã để khỏi đi vệ sinh, tiết kiệm thời gian cứu người. Ảnh: SCMP
Một bác sĩ ở một bệnh viện ở Vũ Hán cho biết những ngày qua ông đã không về nhà cả hai tuần liền và luôn phải làm việc với cường độ cao chưa từng thấy, thậm chí tới ca trực nửa đêm vẫn còn tới khoảng 150 bệnh nhân xếp hàng chờ ông khám, chữa.
“Các bác sĩ, y tá đang làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí tới ca trực nửa đêm vẫn còn đầy bệnh nhân. Bao quanh chúng tôi suốt đêm dài là các bệnh nhân ho không ngừng” - vị bác sĩ mô tả sự vất vả và nguy hiểm của lực lượng đang làm công tác cứu chữa bệnh nhân.
“Tôi phải mặc tã người lớn và cố gắng uống ít nước trong ca trực để không phải đi vệ sinh. Đồng nghiệp tôi cũng thế” - một bác sĩ mô tả điều kiện làm việc của mình và đồng nghiệp trong tâm điểm và cao điểm dịch.
Căng mình điều trị bệnh nhân còn bị đánh
Một bác sĩ nói ông hiểu được tình trạng khó khăn của bệnh nhân: “Tất cả bệnh nhân đều lo lắng. Nhiều người trở nên tuyệt vọng sau khi phải chờ đợi hàng giờ liền ngoài trời giá lạnh”.
“Tôi nghe một người trong hàng nói ông ấy phải chờ quá lâu và ông ấy muốn đâm chúng tôi. Tôi thấy lo. Giết một vài người chúng tôi không làm hàng người ngắn lại, đúng không?” - vị bác sĩ này nhắn nhủ đến các bệnh nhân đang phải xếp hàng chờ được khám chữa bệnh.
Bác sĩ ở Vũ Hán đang phải chạy đua với thời gian và đương đầu với bao khó khăn chiến đấu với dịch virus Corona. Ảnh: THX
Lo lắng của vị bác sĩ này hoàn toàn có cơ sở. Ngày 29-1, hai bác sĩ ở bệnh viện số 4 Vũ Hán bị một người thân bệnh nhân nhiễm virus Corona đánh. Một trong số các bác sĩ bị xé rách đồ bảo hộ ngay trong khu vực có khả năng lây nhiễm cao, Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh đưa tin.
“Cảm xúc tức giận dâng cao trong bối cảnh bệnh viện đã tận dụng hết khả năng tối đa từ đầu tháng 1. Nhiều người không thể có giường để nằm. Nhưng chúng tôi có thể làm gì” - bác sĩ phân trần.
Các bác sĩ đều đề nghị không công bố tên vì không có thẩm quyền phát ngôn liên quan dịch Corona.
SCMP dẫn lời một bác sĩ quân y cho biết các bác sĩ quân y là một lực lượng hỗ trợ hết sức có ý nghĩa trong công tác cứu người ở Vũ Hán nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện.
“Quá nhiều bệnh nhân cần được chữa trị. Quá nhiều xét nghiệm cần phải làm. Tất cả mọi người đều bận rộn. Nhưng có đội ngũ chúng tôi ở đây thì ít nhất các bạn ở Vũ Hán (các bác sĩ đồng nghiệp - PV) có thể có thêm 1-2 giờ để ngủ” - vị bác sĩ quân y này nói và đề nghị không nêu tên.
Tân Hoa xã trước đó đưa tin một số đội nhân viên y tế từ trường đại học Y khoa Quân đội ở Trùng Khánh tích cực điều trị cho 72 bệnh nhân nhiễm virus Corona ở bệnh viện Jinyintan tại Vũ Hán.
Thiếu nghiêm trọng đồ bảo hộ
Một số nhân viên y tế khác ở Vũ Hán cho biết các thiết bị, dụng cụ như đồ bảo hộ chống lây vẫn thiếu thốn.
Một bác sĩ ở bệnh viện Tongji đề nghị không nêu tên cho biết ông đã phải bận một bộ đồ bảo hộ trong 10 giờ trực liền, vì thiếu đồ thay.
“Đồ bảo hộ cần được thay mỗi lần chúng tôi bước ra khỏi một khu vực lây nhiễm” - vị bác sĩ này nói.
Các bác sĩ ở Vũ Hán nói họ thiếu trầm trọng đồ bảo hộ ngăn lây nhiễm. Ảnh: REUTERS
Cuối tuần trước Nhật báo Dương tử ở Vũ Hán đưa tin TP này vừa nhận được 10.000 bộ đồ bảo hộ, 800.000 khẩu trang lọc độc N95, 5 triệu khẩu trang dùng một lần và 4.200 cặp kính bảo hộ.
“Lượng hàng này đủ ở mức cơ bản. Tình trạng thiếu hụt giảm bớt phần nào” - Nhật báo Dương tử nhận xét.
Nhưng một bác sĩ ở bệnh viện Tongji nói các thiết bị bảo hộ được cung cấp ở trên có vấn đề về chất lượng: “Một số thiết bị chất lượng kém bị rách. Tôi không rõ ai mua chúng cho bệnh viện, chúng có thể khiến các bác sĩ, y tá phải chết”.
Ngày 30-1, một bác sĩ tại khoa giải phẫu thần kinh ở bệnh viện Liên Hiệp Vũ Hán kêu gọi trên trang mạng Weibo rằng bệnh viện đang khẩn thiết cần cung cấp thiết bị y tế, bảo hộ như kính bảo hộ, đồ bảo hộ mặc một lần, khẩu trang N95.
“Đồ cung cấp cho chúng tôi gần như đã hết! Làm ơn gửi chúng đến đây, xin lỗi vì luôn làm phiền mọi người!” - bác sĩ này nói trên Weibo.
Một bác sĩ họ Trần cho biết cần nhất là các bộ đồ bảo hộ mặt một lần.
“Không có những bộ đồ bảo hộ này, các bác sĩ không thể tiếp xúc với các bệnh nhân và điều trị cho họ, vì thế thiếu chúng công việc chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn” - bác sĩ Trần cho biết.
“Chúng tôi sử dụng một lượng lớn những bộ đồ này mỗi ngày. Ban đầu khi chúng tôi lên tiếng xin giúp đỡ lần đầu tiên, chúng tôi được người dân ủng hộ rất nhiều nhưng rồi kiểm tra lại chúng tôi thấy phần nhiều trong số chúng không khớp với các hướng dẫn y tế và không thể dùng được” - bác sĩ Trần kể lại.
Bác sĩ đeo khẩu trang thường, sếp bệnh viện đeo N95
Dù sao, theo bác sĩ Trần, các đồng nghiệp của ông ở bệnh viện Liên Hiệp Vũ Hán vẫn phải đối mặt với thực tế chữa trị bệnh nhân dù có thiếu thốn đồ bảo hộ đi nữa.
“Sau tất cả, công việc chúng tôi là phục vụ xã hội” - bác sĩ Trần nói.
Trên mạng xã hội những ngày này không hiếm những đoạn video quay lại cảnh các bác sĩ ở Vũ Hán làm việc quá sức và thậm chí gục ngã vì mệt mỏi.
Một bác sĩ ngã xuống sàn trong lúc cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: ASB
Một bác sĩ cho biết ông và đồng nghiệp phát hiện những người làm ở bộ phận quản lý và hành chính ở bệnh viện ông làm việc được nhận số lượng khẩu trang nhiều hơn bộ phận bác sĩ, y tá trực tiếp cứu chữa bệnh nhân.
“Tôi rất giận. Tuyến đầu thì thiếu đồ bảo hộ nhưng các vị sếp lại có quá nhiều. Chúng tôi phải được ưu tiên hơn chứ? Các vị sếp đi thanh sát bệnh viện thì mang khẩu trang hàng đầu N95, còn các bác sĩ, y tá làm việc tiền tuyến chỉ có những khẩu trang thông thường. Tôi còn nói được gì đây?” - vị bác sĩ này bức xúc.