Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp khó khăn hơn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 so với bốn năm trước nhưng kết quả ông sẽ vẫn thắng chắc.
Đây là lời khẳng định của ông Michael Moore - một tác giả và một nhà làm phim tài liệu ở Mỹ, người đã dự đoán chính xác kết quả chiến thắng của ông Trump trước đối thủ bên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Sẽ lại thua phổ thông, thắng đại cử tri
Cụ thể, trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới, ông Trump nhiều khả năng sẽ thua ở số phiếu bầu phổ thông nhưng vẫn sẽ chiến thắng chung cuộc nhờ hệ thống đại cử tri đoàn.
Năm 2016, ông Trump thua bà Clinton tới gần 3 triệu phiếu bầu phổ thông nhưng vẫn thắng chung cuộc nhờ thắng được phiếu bầu của các đại cử tri ở nhiều bang chủ chốt.
Ông Michael Moore dự đoán ông Trump khả năng lớn sẽ thua ở số phiếu bầu phổ thông nhưng vẫn sẽ chiến thắng chung cuộc nhờ thắng phiếu đại cử tri. Ảnh: INDEPENDENT
Ông Moore dự đoán điều tương tự có thể sẽ lại xảy ra trong năm 2020. Thậm chí năm 2020 ứng viên Dân chủ có thể sẽ còn thắng đậm hơn ở số lá phiếu phổ thông nhưng rốt cuộc vẫn sẽ thua ông Trump ở số phiếu đại cử tri.
“Tôi tin bất cứ ai là ứng viên Dân chủ trong cuộc bầu cử năm tới cũng sẽ thắng từ 4-5 triệu phiếu bầu phổ thông. Vấn đề là… nếu cuộc bầu cử được tổ chức hôm nay, tôi tin ông ấy (ông Trump - PV) sẽ thắng phiếu đại cử tri ở các bang mà ông ấy cần. Tôi khẳng định, mức độ ủng hộ mà ông ấy nhận được không hề giảm sút một xíu nào” - ông Moore trả lời phỏng vấn Democracy Now ngày 29-12.
Democracy Now là một chương trình truyền hình tin tức độc lập với sự tham gia của nhiều nhà báo quốc tế, các lãnh đạo, nhà phân tích độc lập, cả những người dân chịu ảnh hưởng từ chính sách của Mỹ và từ các sự kiện của thế giới.
Đảng Dân chủ đừng chọn một Hillary Clinton nữa
Đảng chính trị mà ông Moore ủng hộ là đảng Dân chủ và ứng viên mà ông ủng hộ là ông Bernie Sanders. Nói với Democracy Now, ông Moore cảnh báo đảng Dân chủ đừng chọn một ứng viên ôn hòa dạng như “một Hillary Clinton” khác, nếu họ muốn có cơ hội thắng năm 2020.
“Nếu chúng ta đi con đường đó, bảo đảm chúng ta sẽ thua phiếu đại cử tri đoàn. Chúng ta sẽ thắng khi chúng ta có một người gây hứng thú với các nhóm cử tri cơ bản - phụ nữ, người da màu, người trẻ” - theo ông Moore.
Hiện người đứng vị trí số một bên hàng ngũ ứng viên chạy đua giành vị trí đề cử tổng thống bên đảng Dân chủ là ông Joe Biden - cựu Phó Tổng thống Mỹ, đứng thứ hai là ông Sanders và thứ ba là bà Elizabeth Warren.
(Từ trái sang): Các ứng viên Dân chủ Bernie Sanders, Joe Biden, Elizabeth Warren. Ảnh: POLITICO
Các kết quả thăm dò gần đây cho thấy cả ba ứng viên trên của đảng Dân chủ đều có thể thắng ông Trump ở đầu phiếu phổ thông nhưng với đầu phiếu đại cử tri thì không chắc.
Vài giờ sau cuộc trả lời phỏng vấn của ông Moore với Democracy Now, ông Trump lên Twitter thể hiện sự hài lòng với dự đoán này.
“Ông ấy đã có dự đoán tương tự năm 2016. Chưa từng có ai nói Michael ngốc!” - ông Trump viết trên Twitter.
Ông Moore từng là một trong những nhà bình luận trên truyền thông lên tiếng sớm nhất dự đoán về chiến thắng của ông Trump năm 2016. Năm 2008 ông Moore cũng dự đoán chính xác chiến thắng của ứng viên Dân chủ Barack Obama. Tuy nhiên, ông Moore cũng từng có sai số.
Ông Moore từng dự đoán ứng viên Cộng hòa Mitt Romney sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 nhưng kết quả là ông Obama vẫn tái đắc cử.
Quy định đại cử tri nghiệt ngã
Theo quy định bầu cử Mỹ, ngoài thắng số phiếu phổ thông, các ứng viên cần phải thắng cả số phiếu đại cử tri thì mới được tuyên bố đắc cử.
Các đại cử tri này được chính cử tri đi bỏ phiếu bầu ra, ngay trong chính ngày bầu cử tổng thống. Trong mỗi phiếu bầu, tên các ứng viên đại cử tri được đặt dưới tên các ứng viên tổng thống.
Số lượng đại cử tri của mỗi tiểu bang là bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của tiểu bang đó. Chẳng hạn, trong khi ở bang Wyoming chỉ có ba đại cử tri thì bang California có tới 55 đại cử tri.
Các đại cử tri sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu tổng thống sau kỳ bỏ phiếu của cử tri phổ thông 41 ngày. Một tháng sau khi bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Mỹ sẽ họp lưỡng viện để tuyên bố người đắc cử - là ứng viên được đa số phiếu đại cử tri.
Hiếm có trường hợp một đại cử tri không bỏ phiếu cho ứng viên thuộc đảng của mình. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp có kết quả ngược nhau giữa kết quả của phiếu phổ thông với kết quả phiếu đại cử tri.
Trường hợp bà Clinton năm 2016 là một ví dụ. Bà dẫn đầu số phiếu phổ thông nhưng thua ông Trump về số phiếu đại cử tri.
Ứng viên Dân chủ Hillary Clinton phải nhường bước trước ứng viên Cộng hòa Donald Trump vì thua số phiếu đại cử tri, dù thắng số phiếu phổ thông. Ảnh: AP
Luật bầu cử Mỹ quy định, ứng viên nào giành được đa số phiếu đại cử tri ở một bang thì giành được toàn bộ phiếu của đại cử tri đoàn ở bang đó. Đây được gọi là nguyên tắc "Được ăn cả, ngã về không".
Như vậy, về mặt lý thuyết, có thể hình dung một ứng viên chỉ cần giành được 142 phiếu đại cử tri ở 11 bang có nhiều đại cử tri nhất là đã có thể đắc cử. Chẳng hạn, 28/55 ở California, 18/34 ở Texas, 16/31 ở New York, 14/27 ở Florida, 11/21 ở Illinois, 11/21 ở Pennsylvania, 11/20 ở Ohio, 9/17 ở Michigan, 8/15 ở Georgia, 8/15 ở bắc Carolina và 8/15 ở New Jersey. Tổng số phiếu đại cử tri ở 11 bang này là 271/538 phiếu, đủ để trở thành tổng thống.
Cũng có chuyện có đại cử tri bỏ phiếu không đúng cam kết với cử tri phổ thông trước đó. Từ khi hình thành hệ thống đại cử tri đoàn đã có 157 đại cử tri có lá phiếu ngược cam kết với cử tri phổ thông. Có 21 bang không có quy định bắt buộc đại cử tri phải trung thành với lời cam kết.