Châu Âu - tâm dịch mới của COVID-19 - vẫn chao đảo trong cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất thế kỷ. Trước thực tế số người chết, người nhiễm tăng chóng mặt mỗi ngày, nhiều nước đã, đang và sẽ có các biện pháp mạnh tay hơn chống dịch.
Tại Ý (nước có dịch nghiêm trọng nhất châu Âu) ngày 20-2, ông Attilio Fontana - Thống đốc vùng Lombardy, cho biết chính phủ đã đồng ý triển khai quân đội đến vùng Lombardy để tăng cường kiểm soát phong tỏa.
“Yêu cầu đã được chấp nhận, 114 binh sĩ sẽ có mặt ở khắp Lombardy, vẫn rất ít nhưng đây là tín hiệu tích cực” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Fontana.
Xe quân đội Ý trên đường phố Bergamo, vùng Lombardy (tâm dịch của Ý) ngày 19-3. Truyền thông địa phương nói xe quân đội được triển khai để chở các quan tài có người chết vì COVID-19 đến các nghĩa trang. Ảnh: REUTERS
Thống kê đến hết ngày 19-3 Ý có 4.305 người chết, 41.035 ca nhiễm. Số người chết của Ý đã vượt qua số người chết ở Trung Quốc - nước xuất phát dịch.
Số người chết ở Tây Ban Nha đã là 1.002, tính đến sáng 20-3 (giờ châu Âu), tăng 235 người so với ngày trước đó, đài CNN dẫn thông tin từ Bộ Y tế nước này.
Khử khuẩn bên ngoài một bệnh viện ở TP Gijon (bắc Tây Ban Nha) ngày 18-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Tây Ban Nha cũng đang có số ca nhiễm cao kỷ lục: 19.980, tăng 2.833 ca so với ngày trước đó (tương đương 16,5%). Trong số này có 10.542 người phải nhập viện điều trị và 1.141 người nguy kịch phải được chăm sóc đặc biệt.
Pháp đã có 392 người chết, 13.957 người nhiễm. Tổng thống Emmanuel Macron ngày 20-3 nói Pháp chỉ mới đang ở điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Emmanuel Macron trong cuộc họp về COVID-19 tại trụ sở Bộ Nội vụ Pháp ngày 20-3. Ảnh: REUTERS
Ngày 20-3 quân đội Pháp cho biết Tổng thống Macron đã lệnh triển khai một tàu chiến sơ tán bệnh nhân COVID-19 từ đảo Corsica về các bệnh viện đất liền để điều trị.
Anh đã có 144 người chết, 3.269 ca nhiễm. Anh đã phải kêu gọi 65.000 bác sĩ, y tá về hưu trong vòng ba năm trở lại đây quay lại làm việc. Sinh viên y năm cuối cũng được huy động tham gia chống dịch.
Cảnh sát tuần tra đường phố London (Anh) ngày 20-3. Ảnh: AP
Thủ tướng Boris Johnson đề nghị mọi người làm việc tại nhà và tránh các địa điểm giải trí. Tuy nhiên, đến thời điểm này ông Johnson vẫn kiềm chế không áp lệnh phong tỏa dù có tin đồn về điều này và nhiều nước châu Âu đã áp dụng, theo Reuters.
Đức đã có 44 người chết, 13.958 người nhiễm. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo công dân không ra nước ngoài đến hết tháng 4.
Sân bay quốc tế Munich ở TP Freising, bang Bravia (Đức) ngày 17-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngày 20-3 chính phủ Đức cảnh cáo có thể sẽ phải áp dụng lệnh giới nghiêm toàn quốc nếu 83 triệu dân nước này không tuân thủ giữ khoảng cách với nhau để ngăn dịch lây lan.
Người phát ngôn Thủ tướng Angela Merkel cho biết bà Merkel sẽ họp với các lãnh đạo khu vực vào ngày mai (21-3) để bàn thêm các biện pháp mạnh chống dịch, trong đó biện pháp giới nghiêm. Hệ thống chính trị ở Đức không cho phép bà Merkel đơn phương áp lệnh này, vì còn tùy vào quyết định của từng bang.
Số liệu một số nước châu Âu khác: Hà Lan đã có 58 người chết, 2.460 người nhiễm. Bỉ có 37 người chết, 2.257 người nhiễm. Thụy Sĩ đã có 33 người chết, 3.438 người nhiễm. Thụy Điển 10 người chết, 1.423 ca nhiễm. Đan Mạch chín người chết, 1.226 ca nhiễm.
Các nước có sáu người chết: Áo (2.203 người nhiễm), Na Uy (1.552 người nhiễm).
Các nước có năm người chết: Ba Lan (355 ca nhiễm), Hy Lạp (464 ca nhiễm).
Các nước có bốn người chết: Thổ Nhĩ Kỳ (359 ca nhiễm), Luxembourg (484 ca nhiễm).
Các nước có ba người chết: Bồ Đào Nha (785 ca nhiễm), Ireland (557 ca nhiễm), Bulgaria (105 ca nhiễm).
Các nước có hai người chết: Albania (64 ca nhiễm) và Ukraine (19 ca nhiễm).
Các nước có một người chết: Slovenia (319 ca nhiễm), Nga (199 ca nhiễm), Croatia (105 ca nhiễm), Hungary (73 ca nhiễm), Moldova (49 ca nhiễm).
Các nước chưa có ca tử vong: Cộng hòa Czech (774 người nhiễm), Iceland (330 ca nhiễm), Estonia (267 ca nhiễm), Slovakia (123 ca nhiễm), Serbia (103 ca nhiễm), Latvia (86 ca nhiễm), Belarus (57 ca nhiễm), Malta (53 ca nhiễm), Lithuania và North Macedonia (cùng 48 ca nhiễm), Kazakhstan (44 ca nhiễm)…