COVID-19 Mỹ: Cần rất nhiều tiền để trị dứt di chứng dai dẳng

Trong một năm, nước Mỹ có thể phải chi 204 tỉ USD để điều trị dứt điểm các di chứng dai dẳng ở bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19, hãng tin Reuters cho hay.

Mỗi bệnh nhân phải tốn 1.000-4.000 USD điều trị di chứng dai dẳng

Các nhà khoa học phát hiện nhiều trường hợp từng nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục chịu đựng các di chứng liên quan dù đã được chữa khỏi và được xuất viện.

Giáo sư Bruce Lee đến từ Trường Y tế công thuộc Đại học TP New York (CUNY - Mỹ) ước tính với mỗi bệnh nhân được chữa khỏi COVID-19, chi phí điều trị di chứng dai dẳng trong vòng một năm có thể lên tới 4.000 USD. 

Giáo sư Bruce Lee đến từ Trường Y tế công thuộc Đại học TP New York (CUNY - Mỹ). Ảnh: CUNY

Đối với các bệnh nhân nhẹ và không cần nhập viện, chi phí điều trị các di chứng dai dẳng trong một năm có thể là 1.000 USD.

Còn khi tính trên toàn nước Mỹ, nếu 20% dân số Mỹ nhiễm COVID-19, tổng chi phi điều trị các di chứng dai dẳng là 50 tỉ USD. Nếu không có vaccine và 80% người Mỹ nhiễm bệnh, tổng chi phí này sẽ là 204 tỉ USD.

Các di chứng dai dẳng có thể kéo dài nhiều năm nên tổng chi phí điều trị có thể tiếp tục tăng lên.

Ước tính trên của Giáo sư Lee cho thấy nguy cơ mà hệ thống bảo hiểm y tế Mỹ phải đối mặt trong thời gian tới. Hơn một nửa dân số Mỹ mua bảo hiểm y tế của các công ty tư nhân.

Nhiều công ty bảo hiểm nêu lý do các chi phí có thể phát sinh liên quan tới COVID-19 để yêu cầu khách hàng đóng thêm tiền bảo hiểm. Ở một số công ty, khoản tăng này đã là 8%.

Theo dõi sức khỏe các bệnh nhân từng mắc COVID-19 trong 25 năm

Kết quả quan sát ở một nhóm nhỏ bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 ở Ý cho thấy 87,4% các trường hợp còn gặp phải ít nhất một di chứng dai dẳng, phổ biến nhất là mệt mỏi và khó thở, theo tạp chí Science của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS). 

Bà Laura Gross - một bệnh nhân ở bang New Jersey (Mỹ) đã được chữa khỏi COVID-19 hồi tháng 3 nhưng gặp phải nhiều di chứng dai dẳng trong bốn tháng qua. Ảnh: REUTERS

Các di chứng dai dẳng khác có thể là nhịp tim nhanh, mất khứu giác, đau nhức xương khớp, đầu óc mụ mị... hay các tổn thương tới tim, phổi, thận và não bộ.

Một dữ liệu từ Mỹ, Anh và Thụy Điển cho thấy khoảng 10-15% các ca nhiễm COVID-19 - kể cả các bệnh nhân cho triệu chứng nhẹ - không thể hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Do thời gian từ lúc đại dịch này bùng phát tới nay là tương đối ngắn, các nhà khoa học chưa thể khẳng định chính xác liệu bệnh nhân COVID-19 cần bao lâu để hồi phục hoàn toàn hay các di chứng dai dẳng có trở thành bệnh mãn tính hay không.

Các nhà khoa học Anh đã bắt đầu chương trình theo dõi sức khỏe cho 10.000 bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19. Dự án có thể kéo dài từ một đến 25 năm.

Trước đó, một nghiên cứu cho thấy tổn thương phổi ở các nhân viên y tế từng mắc hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003 có thể kéo dài 15 năm. Virus SARS năm 2003 cùng họ với virus gây dịch COVID-19.

Tính đến 9 giờ sáng 4-8 (theo giờ Việt Nam), thế giới có gần 18.442.400 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, 697.175 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometer.

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch khi đã phát hiện gần 4.862.200 ca nhiễm và 158.929 ca tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm