Họp báo tại New York (Mỹ) ngày 7-12, ông Kim Song, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố Triều Tiên chấm dứt đàm phán giải trừ hạt nhân với Mỹ và quá trình đàm phán dai dẳng với Mỹ không còn cần thiết nữa, Reuters đưa tin.
Triều Tiên: Mỹ câu giờ
Ông Kim Song cáo buộc “cuộc đối thoại thực chất và kéo dài” mà phía Mỹ tìm kiếm thực chất là một “trò câu giờ” của Mỹ để phục vụ cho các mục đích chính trị nội địa của mình. Ý ông Kim Song muốn nói đến nỗ lực tái tranh cử tổng thống năm 2020 của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Giờ chúng tôi không cần phải có các cuộc đàm phán dai dẳng với Mỹ và chuyện giải trừ hạt nhân đã bị rút khỏi bàn đàm phán” - Reuters dẫn lời ông Kim Song nói tại cuộc họp báo.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song tại cuộc họp báo ở New York (Mỹ) ngày 7-12. Ảnh: REUTERS
Ông Kim Song cũng phản ứng với một tuyên bố đầu tuần này từ các thành viên Liên minh châu Âu (EU) tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ trích các vụ phóng tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên. Theo ông Kim Song, đây là một sự “khiêu khích nghiêm trọng” và EU chỉ có vai trò phục vụ Mỹ.
Ngày 3-12 Bộ Ngoại giao Triều Tiên lặp lại lời kêu gọi Mỹ thay đổi “các chính sách thù địch” với mình và tuyên bố chuyện quyết định sẽ có “món quà Giáng sinh” như thế nào vào cuối năm nay là tùy vào Mỹ.
Trước đó nữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng cảnh báo mơ hồ nước này sẽ có “một con đường mới” vào năm sau.
Theo hãng tin Reuters, phát ngôn của Đại sứ Kim Song là tuyên bố cứng rắn nhất của Triều Tiên về đàm phán hạt nhân, nhấn mạnh hố sâu ngăn cách giữa Mỹ và Triều Tiên trước khi thời hạn đàm phán (do phía Triều Tiên đặt ra) kết thúc vào cuối năm nay.
Ông Trump: Cứ chờ xem
Phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chủ trương giảm căng thẳng với Triều Tiên. Trong ngày 7-12 ông Trump nhấn mạnh ông có quan hệ tốt với lãnh đạo Kim và nghĩ rằng ông Kim muốn có một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ cũng như sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm tới.
“Chúng ta sẽ quan sát Triều Tiên. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu Triều Tiên hành động một cách thù địch” - ông Trump nói với báo chí tại Nhà Trắng trước khi sang bang Florida.
“Ông ấy (ông Kim - PV) biết tôi có một cuộc bầu cử đang đến gần. Tôi không nghĩ ông ấy muốn can thiệp bằng điều đó nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem…Tôi nghĩ ông ấy muốn nhìn thấy điều gì đó xảy ra. Quan hệ hai bên rất tốt nhưng các bạn biết đấy, vẫn có chút ít thù địch, chuyện này không nghi ngờ gì” - Reuters dẫn lời ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp nhau tại làng Bàn Môn Điếm ngày 30-6. Ảnh: REUTERS
Thời gian qua ông Trump đầu tư nhiều thời gian, công sức cố gắng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vốn đã phát triển tới mức có thể đe dọa Mỹ. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán hai bên không tiến triển như mong đợi dù ông Trump đã có tới ba lần gặp ông Kim.
“Người đàn ông tên lửa” và “Ông già lẩm cẩm” trở lại
Căng thẳng hai bên có xu hướng tăng trước khi thời hạn đàm phán kết thúc cuối năm nay. Triều Tiên muốn Mỹ thay đổi chính sách và dỡ bỏ trừng phạt với mình, trước khi mình giải trừ hạt nhân, còn Mỹ thì muốn quy trình ngược lại.
Các phát ngôn của Đại sứ Kim Song và lãnh đạo Kim Jong-un cũng như các động thái gần đây của Triều Tiên mang lại lo ngại nước này sẽ khôi phục thử hạt nhân và tên lửa tầm xa vốn đã ngưng từ năm 2017 để tìm kiếm đàm phán với Mỹ. Việc Triều Tiên ngưng thử hạt nhân, tên lửa được ông Trump xem là một thắng lợi lớn của mình.
Những ngày gần đây hai bên có dấu hiệu khôi phục những phát ngôn chỉ trích nhau. Ngày 3-12, ông Trump một lần nữa gọi ông Kim là “người đàn ông tên lửa” - cụm từ ông từng dùng năm 2017, đồng thời cảnh báo Mỹ vẫn giữ phương án sử dụng quân sự với Triều Tiên. Phần mình Triều Tiên tuyên bố mọi sự lặp lại các phát ngôn này thể hiện “sự tái phát dấu hiệu lẩm cẩm của một ông già lẩm cẩm”.
Tuy nhiên, dù nói ông Kim là “người đàn ông tên lửa” nhưng ông Trump vẫn hy vọng ông Kim sẽ giải trừ hạt nhân. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa rồi ông Trump có bàn về cách giữ quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.