Dịch ĐNA: Tử vong/ngày Indonesia bằng 20% toàn cầu, Thái Lan thiếu nặng vaccine

Tương tự Việt Nam, nhiều nước láng giềng Đông Nam Á đang vật lộn với làn sóng COVID-19 do biến thể Delta. Nhiều nơi, tình trạng còn nghiêm trọng hơn nhiều lần.

Malaysia báo số ca tử vong cao nhất kể từ đầu dịch

Ngày 26-7, Malaysia báo cáo 207 ca tử vong mới liên quan tới COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu dịch tại nước này, theo trang tin Channel News Asia. Tổng số người chết vì COVID-19 ở Malaysia đã là 8.201.

Theo bộ y tế nước này, 1.009 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị trong phòng điều trị tích cực (ICU), trong đó 524 trường hợp cần dùng thiết bị hỗ trợ hô hấp. 

Nhân viên y tế Malaysia chôn cất một người chết vì COVID-19. Ảnh: EPA-EFE

Tổng số ca nhiễm tại Malaysia vượt mức 1 triệu vào ngày 25-7 và đến ngày 26-7, con số đã là 1.027.954. Trong đó, 14.516 trường hợp được báo cáo trong ngày 26-7, giảm nhẹ so với mức 17.045 ca của ngày trước đó.

Theo số liệu của chính quyền Kuala Lumpur, gần 11,8 triệu người Malaysia đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.

Ngày 26-7, Bộ trưởng Bộ Thủ tướng - cơ quan đảm bảo thi hành chính sách thuộc chính phủ Malaysia, ông Takiyuddin Hassan cho biết nước này sẽ không gia hạn thời gian thực hiện lệnh tình trạng khẩn cấp.

Lệnh tình trạng khẩn cấp được ban hành ở Malaysia từ tháng 1 và dự kiến hết hiệu lực từ ngày 1-8. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích lệnh này vì chính phủ đã giới hạn quyền lực của cơ quan lập pháp. Buổi họp hôm 26-7 là phiên làm việc đặc biệt đầu tiên sau thời gian dài quốc hội bị “treo” do lệnh tình trạng khẩn cấp.

Cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nói trước các nhà lập pháp nước này rằng chính quyền liên bang mong muốn hầu hết các bang sẽ bước vào giai đoạn cuối cùng (giai đoạn 4) trong kế hoạch khôi phục kinh tế sau đại dịch ngay trong tháng 10.

Kế hoạch này được công bố hôm 15-6. Để bắt đầu giai đoạn 4, các bang phải đảm bảo số ca nhiễm mới mỗi ngày không quá 500, đủ số phòng ICU và ít nhất 60% dân số được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Một nửa trong số 16 bang và lãnh thổ liên bang của Malaysia đã bước vào giai đoạn 2 của kế hoạch.

Khan hiếm vaccine, Thái Lan xem xét tham gia COVAX

Thái Lan đã báo cáo tổng cộng 526.828 ca nhiễm COVID-19, gồm 15.376 ca được ghi nhận trong ngày 26-7 và 14.150 được báo cáo trong sáng 27-7. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này là 4.264, đa phần là trong đợt dịch từ tháng 4 tới nay.

Tại thủ đô Bangkok, hệ thống y tế đang quá tải. Các bệnh viện đã dùng hết công suất giường bệnh điều trị COVID-19 và xảy ra tình trạng khan hiếm máy trợ thở. Nhiều bệnh nhân COVID-19 đã qua đời ở nhà, trước khi có cơ hội nhập viện. Ở Bangkok, số ca nhiễm biến thể Alpha chiếm 46% và số ca nhiễm biến thể Delta - nguy hiểm hơn - là 54%.

Làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng liên quan tới biển thể Delta đã gây sức ép lên chương trình chủng ngừa COVID-19 ở Thái Lan. Đây là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á chưa tham gia sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX mà đặt toàn bộ niềm tin vào việc tự thương thuyết để nhập khẩu vaccine thành phẩm và xin giấy phép vaccine trong nước.

Tuy nhiên, Thái Lan đang đối mặt với tình trạng khan hiếm vaccine ngừa COVID-19 trầm trọng. Nhiều người dân đã đăng ký tiêm vaccine nhưng lịch hẹn đã bị hoãn, có vẻ là vô thời hạn.

Tuần trước, Giám đốc Viện Vaccine quốc gia Thái Lan, ông Nakorn Premsri đã công khai xin lỗi người dân nước này vì không thể đảm bảo đủ vaccine ngừa COVID-19. Ông Premsri cho rằng một phần lý do của tình trạng này là sự phức tạp trong bộ máy chính quyền Thái Lan.

Thái Lan đang sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh) và Sinovac (Trung Quốc) trong chương trình tiêm chủng. Hôm 20-7, nước này đã ký hợp đồng mua 20 triệu liều vaccine của liên danh Pfizer/BioNTech nhưng phải chờ đến quý IV năm nay, vaccine mới về tới Bangkok.

Viện Vaccine quốc gia Thái Lan đang liên hệ với Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI) - đồng điều phối sáng kiến COVAX - và tỏ ý muốn gia nhập chương trình này.

Theo thông báo ngày 26-17, Thái Lan đã triển khai hơn 15,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn hơn 3,65 triệu người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine.

Singapore: Có thể sẽ “không hề bất thường” với 200 ca mới mỗi ngày

Ngày 26-7, Singapore báo cáo thêm 135 ca nhiễm COVID-19, trong đó 129 trường hợp do lây nhiễm trong cộng đồng, gồm 28 trường hợp không rõ nguồn lây. 

Một người Singapore tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: THE STRAITS TIMES

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc đảo này là 64.314, bao gồm 37 bệnh nhân đã tử vong.

Ngày 26-7, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói với các nhà lập pháp nước này rằng Singapore phải coi thay đổi cách tiếp cận, coi COVID-19 tương tự như bệnh cúm.

Ông Ong cho rằng các quy trình y tế phải được thay đổi cho phù hợp cách tiếp cận “sống chung với COVID-19” khi đó, việc mỗi ngày có khoảng 200 ca nhiễm mới sẽ là chuyện “không hề bất thường”. Bộ trưởng này lưu ý rằng với trong mùa dịch cúm, mỗi ngày số ca nhiễm có thể lên tới 1.000.

Theo đó, những ca mắc sau khi được tiêm vaccine và chỉ phát triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng sẽ được chữa trị tại cơ sở chăm sóc cộng đồng, thay vì nhập viện. Việc truy vết tiếp xúc và cách ly tập trung cũng được đề xuất bãi bỏ. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là tiêm vaccine cho đa số người dân, nhất là các nhóm có nguy cơ cao.

Chương trình tiêm chủng quốc gia Singapore đã triển khai 7.192.180 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 3.070.092 người được tiêm đủ hai mũi. Số liệu này không tính đến số người được tiêm vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc).

Diễn biến trái chiều ở các ổ dịch còn lại

Indonesia vẫn là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á với 3.194.733 ca nhiễm COVID-19, trong đó 84.766 bệnh nhân đã tử vong. Ngày 26-7, nước này báo cáo thêm 28.228 ca nhiễm COVID-19, giảm hơn một nửa so với mức đỉnh điểm hôm 15-6.

Số ca tử vong mới vì COVID-19 tại Indonesia trong ngày 26-7 là 1.487, chiếm 1/5 số liệu tương ứng toàn cầu. Nguyên nhân chính là do tình trạng quá tải của hệ thống y tế và tỉ lệ tiêm chủng chưa cao.

Philippines là ổ dịch lớn thứ hai tại khu vực với 1.55.396 ca nhiễm COVID-19, bao gồm 27.247 trường hợp đã không qua khỏi. Số ca nhiễm mới mỗi ngày đang theo chiều hướng giảm sau khi đạt mức đỉnh điểm hồi đầu tháng 4, song vẫn còn khá cao (trên 5.000).

Số ca nhiễm COVID-19 tại Myanmar đã tăng đáng kể trong khoảng một tháng qua. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 274.155, trong đó 7.507 trường hợp đã tử vong. Số ca tử vong được báo cáo tại Myanmar trong ngày 26-7 là 396 - mức cao nhất kể từ đầu dịch.

Campuchia đã báo cáo 74.386 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.324 trường hợp đã tử vong. Ngày 26-7, Campuchia báo cáo 685 ca nhiễm mới - mức thấp nhất trong đúng một tháng qua.

Timor Leste đã có 10.354 ca nhiễm COVID-19, trong đó 26 bệnh nhân đã không qua khỏi. Số ca COVID-19 còn đang điều trị đang giảm nhanh, từ mức đỉnh điểm hơn 2.800 (ngày 29-5) xuống còn 656 (ngày 26-7).

Lào có 4.985 ca nhiễm COVID-19, bao gồm 5 trường hợp đã tử vong. Ngày 26-7, Lào báo cáo 223 ca nhiễm mới, giảm 20% so với mức cao nhất kể từ đầu dịch (278 trường hợp, được báo cáo hôm 24-7).

Với chính sách phòng dịch nghiêm ngặt, bao gồm việc đóng cửa biên giới từ sớm, Brunei chỉ có 333 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3 trường hợp đã tử vong. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm