Ngày 29-1, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các điều khoản để Anh rời tổ chức này chỉ hai ngày trước thời hạn 31-1 mà Thủ tướng Boris Johnson đề xuất, hãng tin AP cho biết.
Thỏa thuận Brexit được thông qua tại phiên họp của Nghị viện châu Âu tại Brussels với tỉ lệ 621 phiếu thuận và 49 phiếu chống. Trước đó, Nghị viện Anh đã phê chuẩn thỏa thuận này.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli cùng các nghị sĩ châu Âu chụp ảnh trước cuộc bỏ phiếu thông qua các điều khoản Brexit ở Brussels ngày 29-1. Ảnh: AP
Trong phiên họp được mô tả là “đầy cảm xúc”, các nhà lập pháp đến từ 28 quốc gia thành viên EU bày tỏ tình yêu thương gắn kết và nỗi buồn; trong khi một số khác, chủ yếu thuộc đảng Brexit của Anh, lại vui mừng.
Các nghị sĩ đã khóc, nắm tay nhau khi EU cho phát bài hát chúc mừng chia tay Auld Lang Syne. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố: “Chúng ta (EU và Anh - PV) sẽ mãi mãi yêu thương nhau và sẽ không bao giờ xa rời nhau”.
Theo kế hoạch, nước Anh sẽ chính thức rời EU vào lúc 11 giờ tối 31-1 (giờ Anh), chấm dứt cuộc “ly hôn” kéo dài gần bốn năm sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 ở nước này.
Đây là lần đầu tiên, có một thành viên rời khỏi EU, đồng nghĩa với việc số lượng thành viên của tổ chức này giảm xuống còn 27 thành viên.
Tuy nhiên, người phụ trách vấn đề Brexit của EU - ông Guy Verhofstadt lạc quan cho rằng “cuộc bỏ phiếu hôm nay không phải là một lời chào từ biệt”, mà ông coi đó là “lời chào tạm biệt”.
Tuy nhiên, dù hai bên đã chấp nhận các điều khoản rõ ràng cho thủ tục “ly hôn”, tương lai giữa quan hệ Anh-EU vẫn còn đó một số vấn đề.
Sau ngày 31-1, Anh vẫn tiếp tục ở lại trong các thỏa thuận kinh tế của châu Âu nhưng không có tiếng nói trong quyết định chính sách chung của EU.
Do đó, các quốc gia thành viên còn lại của EU đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thương mại với Anh vì giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit chỉ kéo dài đến cuối năm nay.
Việc Anh phải đạt được thỏa thuận thương mại với 27 quốc gia thành viên EU trong vòng 11 tháng là một mục tiêu “tham vọng”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các bên cần bình tĩnh và “không nên tạo ra bất kỳ áp lực nào hay đưa ra quyết định nào vội vàng”. Theo ông Macron, “ưu tiên là xác định lợi ích trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của EU và bảo vệ lợi ích đó”.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tại phiên họp Nghị viện châu Âu ngày 29-1 ở Brussels. Ảnh: REUTERS
Chủ tịch EC cho rằng điều kiện tiên quyết để Anh có thể tiếp cận thị trường chung châu Âu sau Brexit là “châu Âu và Anh phải tiếp tục cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng”.
“Chúng tôi (châu Âu - PV) chắc chắn sẽ không để cho các công ty của mình cạnh tranh không lành mạnh. Rất rõ ràng, đây là sự trao đổi đơn giản. Anh càng cam kết duy trì các chuẩn mực của châu Âu về bảo vệ xã hội và quyền của người lao động, các đảm bảo về môi trường, các chuẩn mực và luật lệ khác đảm bảo cạnh tranh công bằng, việc tiếp cận thị trường chung châu Âu càng gần hơn và tốt hơn" - bà von der Leyen nói.