Ngày 10-6, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Đức Heiko Maas đang ở thăm Iran để tìm giải pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân và xoa dịu căng thẳng Mỹ-Iran.
"Chính ông Trump đã tuyên bố rằng Mỹ đã phát động một cuộc chiến kinh tế chống lại Iran", ông Zarif nói với người đồng cấp Đức. "Giải pháp duy nhất để giảm căng thẳng ở khu vực này là ngăn chặn cuộc chiến kinh tế đó."
Ông Zarif cảnh báo: “Bất kể ai khai chiến với chúng tôi sẽ không là người kết thúc cuộc chiến đó”.
Trả lời báo chí, ông Zarif mô tả cuộc nói chuyên với Ngoại trưởng Đức là “thẳng thắn và nghiêm túc”.
Ông bày tỏ Đức và Liên minh châu Âu EU nên có vai trò quan trọng để xoa dịu tình hình và để ngỏ rằng: “Tehran sẽ hợp tác với các bên của thỏa thuận hạt nhân để duy trì thỏa thuận đó”.
Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif (bên phải) và người đồng cấp Đức Heiko Maas trả lời báo chí sau cuộc gặp ngày 10-6. Ảnh: REUTERS
Về phần mình, Ngoại trưởng Maas nói rằng Đức, Pháp và Anh đang làm "hết sức để ngăn chặn sự thất bại của thỏa thuận (hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện JCPOA)".
“Chúng tôi không thể làm nên điều kỳ diệu nhưng chí ít sẽ cố gắng ngăn chặn thỏa thuận thất bại”, ông Maas nói.
Trước đó, trong nỗ lực duy trì quan hệ kinh tế với Iran và giữ cho thỏa thuận hạt nhân tồn tại, ba quốc gia Pháp, Anh và Đức đã thiết lập một chiến lược đặc biệt để tạo thuận lợi cho thương mại không USD với Iran.
Theo Al-Jazeera, hai thành viên của thảo thuận là Trung Quốc và Nga cũng đã tuyên bố mong muốn JCPOA tiếp tục tồn tại.
Ngoại trưởng Đức cho biết hệ thống thanh toán INSTEX (Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại) sẽ sớm được đưa vào sử dụng sau nhiều tháng nghiên cứu.
Tất cả các yêu cầu, ngay bây giờ, đã sẵn sàng, tôi cho rằng chúng ta sẽ nhanh chóng sử dụng nó trong thời gian sớm nhất", Mass nói thêm về hệ thống INSTEX.
Ngoại trưởng Đức (bên trái) cho biết châu Âu sẽ duy trì trao đổi thương mại phi USD với Iran. Ảnh: REUTERS
Iran đặt thời hạn đến tháng 7-2019 cho châu Âu, Trung Quốc và Nga “để thực hiện các cam kết của họ".
Tehran còn cho biết họ sẽ ngừng tuân thủ các hạn chế làm giàu uranium trong thỏa thuận hạt nhân, cũng như tiếp tục xây dựng lò phản ứng nước nặng tại Arak.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận làm giàu uranium.
Tuy nhiên, người đứng đầu IAEA phụ trách vấn đề Iran, Yukiya Amano, cho biết hiện Iran đang làm giàu uranium nhiều hơn trước nhưng không rõ đạt được mức nào theo thỏa thuận, kênh truyền hình Al-jazeera cho biết.