'Khí ma trơi' trên sao Kim, dấu hiệu sự sống ngoài Trái Đất?

Các nhà thiên văn học đã phát hiện khí phosphine trong những đám mây acid trên sao Kim và tin rằng đây có thể là dấu hiệu liên quan tới sự sống ngoài Trái Đất, hãng tin Reuters ngày 14-9 cho hay.

Theo báo cáo đăng trên tạp chí Nature Astronomy, những nhà khoa học hàng đầu thế giới đã sử dụng kính viễn vọng James Clerk ở bang Hawaii (Mỹ) và phát hiện dấu vết phosphine trên khí quyển sao Kim. Điều này được xác thực qua hình ảnh quan sát từ kính viễn vọng vô tuyến ALMA ở Chile.

Dù chưa phát hiện dạng sống cụ thể nào trên sao Kim, phát hiện phosphine trên khí quyển hành tinh này được coi là dấu vết của sự sống tiềm năng ngoài không gian.

Quản trị viên Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Bridenstine chia sẻ thông tin này trên Twitter cá nhân. Ông cho rằng đây là "bước phát triển quan trọng nhất từng có trong việc chứng minh sự sống ngoài Trái Đất" và bây giờ, "đã đến lúc phải ưu tiên sao Kim".

Phosphine có công thức hóa học là PH3, là một trong các sản phẩm khí trong quá trình phân hủy xác động vật trong môi trường có nồng độ O2 thấp. Hợp chất này tương đối dễ cháy và là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng mà dân gian gọi là "ma trơi". 

Hình ảnh minh họa các phân tử phosphine trên khí quyển sao Kim. Ảnh: REUTERS/ESO

Nhà thiên văn học Jane Greaves thuộc Đại học Cardiff (xứ Wales, Anh), người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết ông "rất kinh ngạc, đúng hơn là sững sờ".

Bà Greaves cho biết khí phosphine được phát hiện trên sao Kim với mật độ 20 phần tỉ. Các nhà khoa học đã xem xét nhiều tác nhân phi sinh học như núi lửa, thiên thạch, sét và nhiều loại phản ứng hóa học khác nhưng tất cả các yếu tố này đều được cho là không thể tạo ra phosphine.

"Với những gì mà hiện nay chúng ta biết về sao Kim, lời giải thích có vẻ hợp lý nhất cho phosphine là sự sống" - chuyên gia vật lý thiên văn Clara Soussa-Silva (Viện Công nghệ Massachusetts - Mỹ), đồng tác giả báo cáo, nói.

Tuy nhiên, bà Soussa-Silva cũng lưu ý cần tiếp tục nghiên cứu và chỉ khi chắc chắn không còn cách giải thích nào khác hợp lý hơn, kết luận về sự sống trên sao Kim mới được thừa nhận.

Nhóm chuyên gia dự đoán rằng nếu thực sự tồn tại, các dạng sống trên sao Kim đã tận dụng nhiệt độ khoảng 30 độ C trong các đám mây đậm đặc sulphuric acid, ở trong các cấu trúc đặc biệt để chống mất nước và tiếp cận ánh sáng Mặt Trời để duy trì sự sống.

Đồng thời, các dạng sống này cần một cơ chế mà các nhà khoa học chưa thể lý giải để chống chịu nồng độ acid cao như trong các đám mây trên sao Kim. Nếu ở Trái Đất, sinh vật không thể sống sót trong điều kiện pH như vậy.

Nhóm chuyên gia cũng lưu ý rằng trong điều kiện oxi hóa mạnh như trên sao Kim, sự tồn tại phosphine cũng là một câu hỏi lớn. Một cách lý giải đang được nghiên cứu là một tác nhân nào đó trên sao Kim đang tạo ra lượng phosphine nhanh tương đương tốc độ hợp chất này bị oxy hóa trong nhiệt độ cao.

Bà Soussa-Silva cho rằng một khi con người chứng minh được sự tồn tại sự sống trên sao Kim, điều đó có nghĩa là "chúng ta không đơn độc" và "bản thân sự sống hẳn là rất phổ biến và phải có nhiều hành tinh khác trên khắp thiên hà của chúng ta có sự sống".

Nhà vật lý đang làm việc tại Mỹ này cũng nhắc lại rằng cho tới trước khi báo cáo được công bố, giới khoa học thế giới cho rằng điều kiện trên bề mặt sao Kim là quá khắc nghiệt nên ngay cả những dạng sống có đặc điểm sinh hóa khác sinh vật trên Trái Đất cũng không thể tồn tại.

Tuy nhiên, "rất lâu trước đây, sao Kim có thể đã có sự sống trên bề mặt trước khi hiệu ứng nhà kinh xảy ra quá nhanh khiến phần lớn hành tinh này hoàn toàn không phù hợp cho sự sống", bà Soussa-Silva dự đoán. 

Sao Kim. Ảnh: REUTER/NASA

Sao Kim là hành tinh "láng giềng" gần nhất, có cấu tạo tương tự nhưng nhỏ hơn Trái Đất. Tuy nhiên, đây không phải là trọng tâm nghiên cứu của giới thiên văn vì điều kiện khí quyển bị cho là không phù hợp cho sự sống.

Bầu khí quyển sao Kim đậm đặc và có nhiều chất độc hoặc cực độc (đối với sự sống trên Trái Đất). Nhiệt độ bề mặt hành tinh này là 471 độ C, đủ nóng để nung chảy chì.

Đây là hành tinh đầu tiên mà các phương tiện của con người có thể vươn tới và cũng là "chiến địa" trong cuộc chạy đua vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh lạnh.

Từ thập niên 1990 đến nay, sao Kim như bị "bỏ quên" khi cả Mỹ và Nga đều không chú ý nhiều, còn châu Âu và Nhật chỉ tiến hành hai sứ mệnh tới hành tinh này.

Tuy nhiên, từ năm 2018, một số học giả cho rằng bầu khí quyển này có một số cơ chế được coi là tương tự môi trường tảo sinh sản trong các hồ nước trên Trái Đất, theo tờ Daily Mail.

Mới đây, Nga cũng tuyên bố sẽ sớm trở lại sao Kim - một trong những nỗ lực tiếp tục chứng minh năng lực hàng không vũ trụ của Moscow so với công nghệ của Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm