Không thể sớm có 'giai đoạn 2' trong thỏa thuận Mỹ-Trung?

Theo hãng tin Reuters, hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói trong một cuộc họp báo với Phó Thủ tướng Trung Quốc (TQ) Lưu Hạc rằng ông dự kiến sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn đàm phán thứ hai sau khi giai đoạn 1 được hoàn thành. 

Theo đó, giai đoạn 2 sẽ tập trung vào luận điểm quan trọng của Mỹ là TQ đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ bằng cách buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối thủ TQ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hôm 29-6-2019. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho biết cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm sau cùng với những khó khăn trong việc hoàn thành giai đoạn đầu tiên và sự miễn cưỡng của Nhà Trắng khi làm việc với các nước khác nhằm gây áp lực cho Bắc Kinh đang làm giảm hy vọng cho bất cứ điều gì tham vọng hơn trong tương lai gần.

Cuộc chiến thương mại kéo dài 16 tháng với TQ đã khiến các doanh nghiệp và nông dân Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và là lực cản đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới

Giới chức ở Bắc Kinh nói rằng, họ dự tính sẽ không ngồi xuống thảo luận về thỏa thuận giai đoạn 2 trước cuộc bầu cử ở Mỹ, một phần vì họ muốn chờ xem liệu ông Trump có thắng cử nhiệm kỳ thứ hai hay không.

"Chính ông Trump mới là người muốn ký các thỏa thuận này, không phải chúng tôi. Chúng tôi có thể chờ đợi" - một quan chức TQ nói với Reuters.

Còn theo một quan chức chính quyền của ông Trump, ưu tiên chính của ông Trump tại thời điểm này là đảm bảo giai đoạn 1 suôn sẻ để lấy đó làm một điểm nhấn quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của mình.

Sau đó, ông Trump có thể sẽ để lại các vấn đề gây tranh cãi lớn khác cho các trợ lý cao cấp, những người có khả năng tiếp tục gây sức ép lên Bắc Kinh về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, quân sự hóa biển Đông và nhân quyền, quan chức này nói thêm.

Nói cách khác, Mỹ và Bắc Kinh khó có thể đàm phán một thỏa thuận giai đoạn 2 trong năm sau, theo ông Josh Kallmer, cựu quan chức của văn phòng đại diện thương mại Mỹ.

Bởi vì Mỹ cần sự phối hợp tốt hơn của các đồng minh để gây sức ép buộc TQ thực hiện các thay đổi cơ cấu, bao gồm chấm dứt chuyển giao công nghệ bắt buộc và bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn.

Nhưng châu Âu và các đồng minh khác của Hoa Kỳ đã miễn cưỡng tham gia chiến dịch gây áp lực của Washington đối với Bắc Kinh, một phần do sự thất vọng với chính quyền Mỹ và một phần do sự phụ thuộc vào đầu tư của TQ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm