Hoạt động trên được thực hiện nhằm giảm thiểu nguy cơ hạt nhân rơi vào tay các phần tử khủng bố.
Các chuyên gia hạt nhân từ Mỹ, TQ, Anh, Na Uy cùng các nhà thầu Czech và Nga đã cùng hợp tác để loại bỏ uranium có mức làm giàu cao từ một lò phản ứng nghiên cứu ở khu vực Kaduna (Nigeria), nơi ngày càng dễ trở thành địa điểm tấn công khủng bố, theo trang Defense News cho biết trong tháng này.
TQ đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển và lưu trữ uranium.
Hoạt động trên diễn ra vào tháng 10, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng đe dọa TQ về việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Ông Trump giải thích chính các công ty hạt nhân đang phát triển của TQ góp phần thúc đẩy quyết sách rút lui Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung Mỹ - Nga của ông.
Theo đó, danh sách cấm bao gồm tên lửa hạt nhân tầm ngắn, trung và tên lửa thông thường. Việc rút khỏi hiệp ước sẽ cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa ở châu Á nhằm chống lại TQ, các chuyên gia quân sự lập luận.
Tuyên bố trước các phóng viên ngày 22-10, ông Trump khẳng định: “Chúng tôi vẫn sẽ xây dựng kho vũ khí hạt nhân cho đến khi nào các nước suy nghĩ thấu đáo. Chúng sẽ là mối đe dọa cho bất cứ ai, TQ, Nga hay bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia trò chơi này”.
Bất kể những căng thẳng đó, bà Elsa Kania, giáo sư trợ giảng chuyên nghiên cứu quan hệ Mỹ - Trung và tiến trình hiện đại hóa quân đội TQ tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho biết: “Hai nước Mỹ - Trung rõ ràng là có hiểu biết sâu sắc và thống nhất khi theo đuổi lợi ích chung về an toàn hạt nhân”.
Giải trừ vật liệu hạt nhân khỏi Nigeria là mục tiêu ngày càng quan trọng đối với Mỹ và tổ chức phản đối phổ biến hạt nhân trong những năm gần đây.
Sự gia tăng các nhóm tay súng, đặc biệt là Boko Haram, một tổ chức phiến quân thánh chiến có trụ sở phía Đông Bắc Nigeria, đã trở thành mối đe dọa ngày càng lớn. Lầu Năm Góc gắn mác cho nhóm này là tổ chức khủng bố lớn trong khu vực.
Nhà máy hạt nhân tại Nigeria. Ảnh: SPARKONLINE
Theo Defense News, TQ từng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và ủng hộ phát triển Lò phản ứng nghiên cứu 1 ở Kaduna của Nigeria, vốn được khánh thành vào năm 2004. Đây là lò phản ứng nguồn neutron nhỏ (MNSR) được thiết kế cho các nghiên cứu khoa học và đào tạo, các thí nghiệm cung cấp năng lượng và không dùng để cung cấp điện cho địa phương.
Tuy nhiên, lò phản ứng trên đã sử dụng uranium có mức làm giàu cao (gọi tắt HEU), nghĩa là nhóm uranium chuyên dành cho các đầu đạn hạt nhân. Dù vậy, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế vẫn kịp thực hiện một chương trình toàn cầu để thay thế lượng HEU bằng uranium có mức làm giàu thấp (LEU) không dùng cho vũ khí. Các hoạt động tại Kaduna đều có sự chấp thuận và hỗ trợ từ chính phủ Nigeria.
Việc tiêu hủy HEU hoàn thành chỉ trong một ngày. Thế nhưng để đưa vật liệu về TQ, thời gian hoàn tất mọi giai đoạn hậu cần và giải phóng mặt bằng an ninh là sáu tuần.
Vào thời điểm vật liệu rời khỏi Nigeria ngày 4-12, mối quan hệ Mỹ-Trung gặp trục trặc thêm 2 lần: cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Argentina về các vấn đề thương mại dẫn đến thỏa thuận ngừng chiến tranh thuế quan dài 90 ngày; và vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Tập đoàn công nghệ Huawei ở Canada theo yêu cầu của Mỹ do những vi phạm đối với lệnh trừng phạt Iran.
Tuy nhiên, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai nước trên các mặt trận kinh tế, chính trị và quân sự, ông Song Zhongping, nhà quan sát quân sự tại Hồng Kông cho rằng TQ và Mỹ vẫn công nhận điểm chung về động thái không phổ biến hạt nhân.
TQ và Mỹ chia sẻ mối quan tâm trong việc ngăn chặn các vật liệu hạt nhân rơi vào tay những kẻ khủng bố. Cả hai nước đều hy vọng duy trì cân bằng hạt nhân toàn cầu, ông Song nói thêm.