Hoàn cầu thời báo đưa tin lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ (PACAF) ngày 4-7 điều một máy bay ném bom chiến lược B-52 xuất kích từ căn cứ không quân Barksdale đến tham gia diễn tập cùng hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan ở Biển Đông.
Cổng thông tin chính thức của PACAF ra thông cáo nêu rõ chiếc B-52 nói trên đã thực hiện sứ mệnh liên tục trong 28 giờ để thể hiện cam kết của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với an ninh và ổn định khu vực.
Một máy bay ném bom chiến lược B-52 cùng các tiêm kích hộ tống bay ngang qua Biển Đông vào tháng 3-2019. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Chiếc B-52 sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã bay một mạch từ Biển Đông đến căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam.
Trong khi đó, chỉ huy Phi đội ném bom 96 đóng tại căn cứ không quân Barksdale - Trung tá Christopher Duff khẳng định sự hiện diện của máy bay B-52 là bằng chứng chứng minh năng lực tác chiến và triển khai tầm xa trong thời gian ngắn của Mỹ.
"Chúng tôi có thể bay đến bất kỳ đâu trên thế giới thực hiện nhiệm vụ và di chuyển qua lại giữa các căn cứ ở tiền tuyến" - ông Duff nhấn mạnh.
Đây là lần đầu tiên B-52 quay trở lại Biển Đông trong năm 2020 sau khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra cuối cùng vào tháng 12-2019. Trước đó máy bay ném bom này chỉ xuất hiện ở biển Philippines và eo biển Đài Loan trong bốn tháng đầu năm.
Hoàn cầu thời báo sau đó lớn tiếng phê bình động thái triển khai B-52 của Mỹ là "hành động khoe cơ bắp trắng trợn" nhằm răn đe Trung Quốc dù chính nước này vừa tiến hành tập trận năm ngày gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong một diễn biến có liên quan, tờ The Wall Street Journal dẫn lời Chuẩn Đô đốc George Wikoff xác nhận hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đang triển khai các hoạt động diễn tập ở Biển Đông sau khi được điều đến khu vực này từ ngày 4-7.
Mục đích của cuộc tập trận là nhằm thể hiện tín hiệu rõ ràng cho các đối tác và đồng minh của Mỹ rằng Washington đủ khả năng đảm bảo an ninh và ổn định khu vực. Hai tàu này trước đó đã tổ chức các đợt diễn tập tương tự ở biển Philippines từ ngày 28-6.
Một số chuyên gia đánh giá cao bước đi này của Mỹ, cho rằng đây là biện pháp kiểm hãm hiệu quả tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.