Trong một bài viết mới đây đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bình luận về diễn biến xung quanh khả năng Đức sẽ yêu cầu Mỹ di dời toàn bộ bom hạt nhân khỏi lãnh thổ nước này.
Ông Stoltenberg kêu gọi Đức suy nghĩ kỹ về quyết định yêu cầu Mỹ di dời toàn bộ bom hạt nhân khỏi lãnh thổ mình, vì an ninh và hòa bình toàn khối.
Theo đó, ông Stoltenberg cho rằng các đe dọa từ Nga cùng một số quốc gia khác chính là mối đe dọa khiến Đức cần phải giữ lại số bom nói trên.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một sự kiện ở Pháp hồi tháng 11-2019. Ảnh: AP
Người đứng đầu NATO cho rằng trong khi liên minh quân sự này xem sức mạnh hạt nhân chỉ là một công cụ gây ảnh hưởng chính trị thì Nga đã "tích hợp chặt chẽ kho vũ khí hạt nhân của mình vào chiến lược quân sự”.
“Moscow đã đặt các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở TP Kaliningrad, chỉ cách Berlin 500 km. Điều này đặt nhiều đồng minh NATO như Đan Mạch, Ba Lan và Romania vào tầm ngắm của một cuộc tấn công hạt nhân” - ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Chính vì nguy cơ này, Tổng thư ký NATO Stoltenberg khẳng định năng lực răn đe hạt nhân của khối vẫn nên được xem là một phần quan trọng trong nỗ lực bảo vệ hòa bình và tự do của các thành viên.
"Mục tiêu của vũ khí hạt nhân làm đảm bảo an ninh cho Đức, cho NATO, đồng minh, các nước láng giềng và tất cả những bên hưởng lợi từ năng lực hạt nhân của khối" - ông Stoltenberg viết.
Ngoài ra, theo tinh thần thỏa thuận chia sẻ hạt nhân giữa các nước có vũ khí hạt nhân và nước không có trong khối, Đức chỉ nên đưa ra quyết định về vấn đề này chỉ khi đưa ra thảo luận và đạt được đồng thuận chung giữa các thành viên NATO.
Theo hãng tin Sputnik ngày 12-5, vũ khí hạt nhân và căng thẳng địa chính trị giữa NATO và Nga gần đây đang trở thành một chủ đề chính gây tranh cãi trong chính giới Đức.
Hồi cuối năm 2019, một khảo sát do đài GNA (Đức) ủy quyền thực hiện cho thấy 55% người tham gia cho rằng Đức và các quốc gia khác ở châu Âu nên giảm phụ thuộc vào Mỹ, với 54% số người được hỏi thúc giục cải thiện quan hệ với Nga.
Đến ngày 4-5, đảng Dân chủ xã hội (SPD) trong liên minh cầm quyền Đức bất ngờ tuyên bố: “Vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Đức không giúp tăng cường an ninh mà chỉ có tác dụng ngược lại. Đã đến lúc bỏ việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Đức trong tương lai”.
Hiện Mỹ đang cất giữ khoảng 20 quả bom hạt nhân B61 tại căn cứ không quân Buchel, vùng Tây Đức.