Một số nhà khoa học Trung Quốc cho rằng một loại thuốc được điều chế từ cây kim ngân và một số loại cây có hoa có thể giúp chống lại virus Corona chủng mới, trang tin Channel News Asia đưa tin ngày 2-2.
Tin vào điều này, người dân Trung Quốc đang đổ xô tìm kiếm loại thuốc có tên là Song Hoàng Liên (Shuanghuanglian). Song cũng không ít người bày tỏ sự nghi ngờ đối với tuyên bố trên.
Cây kim ngân - nguyên liệu điều chế loại thuốc được cho là có khả năng ức chế virus nCoV. Ảnh: BRITANNICA
Ngày 31-1, hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã tìm ra loại thuốc "có thể ức chế" virus nCoV.
Thông tin xuất hiện này như một cứu cánh cho người dân Trung Quốc đang hoang mang trước sự lây lan của dịch bệnh. Thuốc Song Hoàng Liên đã nhanh chóng cháy hàng, cả tại các tiệm thuốc và trên các kênh bán hàng qua mạng.
Một đoạn video được chia sẻ cho thấy hàng dài người đeo khẩu trang đang xếp hàng vào ban đêm bên ngoài các cửa hàng thuốc với hy vọng mua được một hộp thuốc Song Hoàng Liên, bất chấp khuyến cáo không tụ tập đông người của cơ quan chức năng.
Hàng người xếp hàng chờ mua thuốc Song Hoàng Liên. Ảnh: WEIBO
Những hoài nghi về tác dụng thực sự của thuốc nhanh chóng xuất hiện. Truyền thông địa phương cũng thận trọng hơn khi nhắc đến loại thuốc này.
Hôm 1-2, đài truyền hình quốc gia CCTV dẫn lời một chuyên gia đầu ngành đã tham gia nghiên cứu chủng virus mới từ khi nó bùng phát, cảnh báo về tác dụng phụ tiềm tàng của thuốc Song Hoàng Liên.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng cảnh báo người dân không nên dùng các phương thuốc cổ truyền mà không có chỉ dẫn chuyên môn của nhân viên y tế.
Các nhà khoa học thuộc một số học viện, trung tâm nghiên cứu chính sách vẫn tiếp tục nghiên cứu về khả năng làm giảm các triệu chứng do virus Corona mới gây ra bằng phương thuốc từ cây bần Nhật Bản.
Ủy ban Y tế Trung Quốc hôm 30-1 cho biết những người nghiên cứu y học cổ truyền cũng tham gia vào nhóm 6.000 nhân viên y tế đến hỗ trợ cho thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - trung tâm của vùng dịch.
Ông Marc Freard, thành viên Hội đồng hàn lâm Y học Trung Quốc nói với hãng tin AFP rằng ông tin vào tác dụng giảm triệu chứng như hạ sốt hay tiêu đờm của các phương thuốc cổ truyền, song khẳng định vẫn "thiếu các tiêu chuẩn khoa học" về khả năng thực sự của chúng trong việc chống virus nCoV.
Trước đó, trong đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003, nước này đã kết hợp điều trị bằng cả biện pháp Tây y và biện pháp y học cổ truyền.
Một nghiên cứu trên chuyên trang nghiên cứu y tế Cochrane năm 2012 cho thấy các biện pháp y học cổ truyền Trung Quốc và các biện pháp Tây y "không có gì khác biệt" trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm SARS.