Trung Quốc có thể đưa tàu tấn công đổ bộ đến Biển Đông

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh vừa đưa vào biên chế 3 tàu chiến tại tỉnh Hải Nam hôm 24-4, báo South China Morning Post đưa tin hôm 25-4.

Ba tàu chiến đó là là tàu tấn công đổ bộ Hải Nam thuộc Type 075, tàu khu trục Đại Liên thuộc Type 055 và tàu ngầm hạt nhân Trường Chinh 18 có thể phóng tên lửa đạn đạo JL-1 và JL-2.

Tàu tấn công đổ bộ Hải Nam có thể chở khoảng 30 máy bay trực thăng và hàng trăm binh sĩ. Đây là tàu tấn công đổ bộ lớn nhất của Trung Quốc với lượng choáng nước khoảng 40.000 tấn.

Giới quan sát quân sự nhận định tàu Hải Nam có thể đóng vai trò chiến lược quan trọng ở Biển Đông. Thời gian tới tàu này có thể được triển khai để làm nhiệm vụ ở khu vực xung quanh Đài Loan.

Theo các nhà quan sát quân sự trên, tàu tấn công đổ bộ Hải Nam khả năng sẽ là mối quan ngại lớn với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông, vì sức mạnh tấn công của con tàu.

Tàu Type-075 của Trung Quốc chạy thử nghiệm vào ngày 5-8-2020. Ảnh: WEIBO

Nhà bình luận các vấn đề quân sự Song Zhongping và là cựu huấn luyện cho quân đội Trung Quốc cho rằng mặc dù các máy bay trực thăng bọc thép Z-8J và Z-20J mà tàu Hải Nam chuyên chở chưa sẵn sàng tác chiến nhưng tàu có thể chở nhiều loại trực thăng khác nhau, bao gồm cả trực thăng cảnh báo sớm.

Ông Song cho biết tàu Hải Nam được biên chế vào Hạm đội Nam Hải, trực thuộc Chiến khu Nam Bộ. Điều này không có nghĩa là nó chỉ có nhiệm vụ tác chiến ở Biển Đông mà nó còn thực hiện nhiệm vụ ở xung quanh đài Loan và nhiệm vụ liên chiến khu. Tuy nhiên, theo ông Song, tàu này sẽ chủ yếu hoạt động trên Biển Đông.

Chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) - ông Collin Koh cho biết động thái triển khai tàu tấn công đổ bộ tiên tiến nhất của quân đội Trung Quốc tới Chiến khu Nam Bộ là một thông điệp của Bắc Kinh gửi tới các nước láng giềng trên Biển Đông. 

Theo ông Koh, con tàu có thể thực hiện các chức năng tấn công, chẳng hạn như chiếm giữ các thực thể ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hay thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Ông Koh cho biết các nước láng giềng của Trung Quốc có thể cảm thấy cần phải ứng phó với “sự bất cân xứng ngày càng lớn” trong cán cân quyền lực quân sự bằng cách nâng cấp lực lượng vũ trang của mình và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cường quốc bên ngoài.

Theo ông Koh, con tàu này sẽ bị các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước có tranh chấp biển với Trung Quốc cảnh giác hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm