Tương lai nào cho những người phụ nữ ở Afghanistan?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quyền của những người phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan đã bị cắt giảm đáng kể dưới sự cai trị của Taliban vào khoảng thời gian từ năm 1996-2001. Tuy nhiên, kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng trước, Taliban đã tuyên bố rằng họ sẽ không còn cực đoan như trước nữa.

Mặc cho những lời hứa của Taliban, nhiều phụ nữ vẫn tỏ ra lo lắng trước tương lai của mình và gia đình của họ.

Trước đó, hôm 8-9, Bà Alison Davidian, đại diện tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, cảnh báo rằng Taliban có thể sẽ bỏ qua lời hứa của họ về việc tôn trọng quyền của phụ nữ Afghanistan.

Nhóm nhân viên nữ tại sân bay Kabul quay trở lại làm việc

Chưa đầy một tháng sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kabul, một số người phụ nữ ở Afghanistan đã đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn, đó là sẽ can đảm và quay trở lại làm việc tại sân bay, hãng AFP đưa tin.

Trong khi lực lượng Taliban khuyến cáo các phụ nữ nên ở nhà vì sự an toàn của chính họ vì vẫn còn nhiều rủi ro, những người phụ nữ Afghanistan làm việc tại sân bay Kabul cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác.

Một thành viên của Taliban cầm súng đứng canh gác tại sân bay Kabul. Ảnh: AFP

"Tôi cần tiền để nuôi gia đình. Tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng và tồi tệ khi ở nhà. Bây giờ thì tôi cảm thấy tốt hơn rồi" - cô Rabia Jamal, một bà mẹ 35 tuổi có ba đứa con, chia sẻ.

Rabia còn khẳng định mình sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi cô bị buộc phải dừng lại.

"Ước mơ của tôi là trở thành cô gái giàu nhất Afghanistan và tôi cảm thấy mình luôn là người may mắn nhất. Tôi sẽ làm những gì tôi yêu thích cho đến khi tôi không còn may mắn nữa" - Rabia, người đã làm việc tại sân bay từ năm 2010, nói.

Chị gái đồng thời là đồng nghiệp của Rabia, Qudsiya Jamal, 49 tuổi, chia sẻ rằng việc Taliban tiếp quản đã khiến cô bị "sốc".

"Tôi rất lo sợ. Gia đình tôi đã rất sợ hãi cho tôi, họ nói với tôi rằng đừng quay trở lại làm việc, nhưng tôi hiện đang hạnh phúc, thoải mái, không có vấn đề gì xảy ra cho đến nay" - bà mẹ năm con, cũng là người duy nhất có thu nhập trong gia đình cô, kể lại.

Các thành viên của lực lượng Taliban làm nhiệm vụ ở bên trong sân bay Kabul. Ảnh: AFP

Theo các quy định mới của Taliban, phụ nữ có thể trở lại làm những công việc “phù hợp với các nguyên tắc của đạo Hồi", nhưng một số chi tiết vẫn chưa được đưa ra về ý nghĩa chính xác của sắc lệnh này.

Và trong số hơn 80 người phụ nữ làm việc tại sân bay trước khi Kabul rơi vào tay Taliban vào ngày 15-8, chỉ có 12 người dám quay trở lại công việc của họ.

Những người này nằm trong số rất ít phụ nữ ở thủ đô được phép trở lại làm việc, số còn lại đã được Taliban yêu cầu tiếp tục ở nhà cho đến khi có thông báo mới.

Sáu trong số các nữ nhân viên sân bay đã được nhìn thấy đứng ở lối vào chính hôm 11-9, trò chuyện và vui cười trong khi dò tìm thông tin các hành khách đi chuyến bay nội địa.

Những người phụ nữ Afghanistan trùm kín người đi bộ đến một nhà thờ Hồi giáo ở TP Herat, ngày 10-9. Ảnh: REUTERS

Taliban: Phụ nữ được phép học đến đại học, nhưng phải phân chia theo giới tính

Hôm 12-9, quyền Bộ trưởng giáo dục đại học mới của Taliban Abdul Baqi Haqqani cho biết phụ nữ Afghanistan sẽ được phép học đến bậc đại học, miễn là các lớp học được phân chia theo giới tính hoặc ít nhất được phân cách giữa nam và nữ bằng một bức màn.

Ngoài ra, phụ nữ và trẻ em gái ở quốc gia Trung Đông này cũng lại bị buộc phải mặc áo choàng kín toàn thân và che kín mặt như trước đây, theo AFP.

“Chúng tôi không gặp vấn đề gì trong việc chấm dứt hệ thống giáo dục hỗn hợp. Người dân theo đạo Hồi và họ sẽ chấp nhận việc phân chia lớp theo nam nữ” - quyền Bộ trưởng giáo dục đại học Afghanistan nhận định.

Theo ông Haqqani, hệ thống giáo dục của Afghanistan đã thay đổi rất nhiều kể từ lần cuối cùng Taliban nắm quyền, khi phụ nữ vẫn còn bị cấm đến trường học và học đến bậc đại học.

“So với trước đây, số lượng các cơ sở giáo dục đã tăng lên đáng kể. Điều này mang lại cho chúng tôi hy vọng về một Afghanistan thịnh vượng và tự cường trong tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục từ nơi họ đã bị bỏ lại” - ông Haqqani tuyên bố

Những người phụ nữ Afghanistan đổ xuống đường biểu tình để đòi quyền bình đẳng. Ảnh: AP

Thông tin trên đã làm dấy lên một số lo ngại vì các trường đại học không có đủ nguồn lực giảng viên nữ để phân chia các lớp học riêng biệt.

Nhưng ông Haqqani khẳng định rằng sẽ có đủ giáo viên nữ và nếu không có, chính quyền sẽ tìm thêm các lựa chọn thay thế mà không vi phạm các quy tắc của đạo Hồi.

“Tất cả phụ thuộc vào năng lực của mỗi trường đại học. Chúng tôi cũng có thể đưa giáo viên nam đến để giảng dạy từ sau bức màn, hoặc sử dụng công nghệ trình chiếu” - quyền Bộ trưởng Haqqani nói.

Nữ vô địch quyền anh Afghanistan rời nước vì bị Taliban đe dọa giết

Nhà vô địch quyền anh hạng nhẹ người Afghanistan và là thành viên của đội tuyển quyền anh nữ quốc gia Seema Rezai cho biết cô đã buộc phải rời khỏi đất nước sau khi Taliban dọa sẽ giết cô nếu cô tiếp tục tập luyện quyền anh.

"Khi Taliban chiếm Kabul vào giữa tháng 8, tôi đang tập quyền anh với huấn luyện viên của mình. Nhưng sau đó một số người nói với Taliban rằng có một cô gái đang tập võ với một huấn luyện viên nam và họ đã gửi cho tôi một văn bản cảnh báo về sự cần thiết phải dừng tập luyện hoặc tiếp tục tập quyền anh ở Mỹ. Họ cảnh cáo sẽ giết tôi nếu tôi không đồng ý” - cô Rezai kể lại.

Nhà vô địch quyền anh hạng nhẹ trẻ tuổi người Afghanistan Seema Rezai. Ảnh: GOOGLE

Vì muốn được tiếp tục tập quyền anh, nữ vận động viên 18 tuổi sau đó đã quyết định rời quê hương một mìn mà không có gia đình bên cạnh. 

Theo hãng tin Sputnik, Rezai khởi hành đến Qatar trên một chuyến bay chở những công dân muốn di tản khỏi Afghanistan và hiện đang chờ được cấp thị thực đến Mỹ, nơi cô hy vọng sẽ theo đuổi sự nghiệp thể thao của mình.

Rezai bắt đầu tập quyền anh chuyên nghiệp từ năm 16 tuổi, nhưng vì sự phản ứng tiêu cực của gia đình đối với sở thích của cô, chính huấn luyện viên của Rezai là người đã mua thiết bị tập luyện cho cô.

Rezai lưu ý rằng việc tập quyền anh ở Afghanistan, ngay cả dưới thời chính phủ trước đây, là một thách thức lớn đối với một phụ nữ do những quan điểm truyền thống tiêu cực của xã hội Afghanistan đối với sự nghiệp thể thao của một người phụ nữ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm