Bà Leyen, Tổng thống Mỹ Joe Biden, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ - TS Anthony Fauci cùng nhiều nhà khoa học đồng ý rằng tiêm ngừa đủ và tiêm mũi tăng cường là giải pháp tốt nhất để cung cấp mức bảo vệ cao nhất. Mỹ đang tích cực vận động người dân đi tiêm mũi tăng cường. Anh thậm chí còn rút ngắn thời gian quy định tiêm mũi tăng cường, từ cách mũi thứ hai sáu tháng xuống chỉ còn cách ba tháng.
Tuy nhiên, Giám đốc chương trình Khẩn cấp của WHO - TS Mike Ryan lại đưa ra ý kiến là các nước phát triển không nên vội tiêm mũi tăng cường cho người dân nước mình mà ưu tiên nguồn vaccine chuyển tiêm cho người dân các nước nghèo vốn rất nhiều người chưa được tiêm mũi nào.
Những ngày qua, Tổng thống Joe Biden liên tục kêu gọi người dân Mỹ đi tiêm ngừa. Ảnh: NEW YORK TIMES
“Theo tôi biết thì không có bằng chứng nào cho thấy rằng việc tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ dân số sẽ cung cấp bất kỳ sự bảo vệ cần thiết nào thêm cho những người khỏe mạnh không phải nhập viện hay tử vong (khi nhiễm)” - TS Ryan nói.
WHO cũng nhiều lần lưu ý rằng virus sẽ còn biến đổi ra nhiều biến thể mới nữa nếu nó được để lây lan thoải mái ở các khu vực đông người chưa được tiêm chủng.
Một thực tế là tại các nước giàu hiện phần lớn đã phủ sóng tiêm chủng tốt, virus ngày càng bị hạn chế cơ hội biến đổi ra các đột biến mới. Trong khi đó, các nước còn đông dân chưa được tiêm chủng là địa bàn thuận lợi để virus sinh sôi, sao chép, tạo ra đột biến, biến thể mới, theo PGS về virus học Iran Mackay tại ĐH Queensland (Úc).
Các nước giàu đã sai lầm khi nghĩ rằng chỉ cần phủ sóng tiêm chủng đủ cho người dân trong nước mình thì mình đã đánh bại COVID-19, vì nếu vẫn còn nhiều quần thể dân (dù ở nước khác) chưa được phủ kháng thể thì virus vẫn còn hoành hành và biến đổi.
Trung bình đến nay chỉ mới hơn một nửa dân số thế giới được tiêm một mũi vaccine, có nghĩa là vẫn còn hơn 3,4 tỉ người ngoài kia mà cơ thể họ có thể bị virus coi như phòng thí nghiệm để phát triển các đột biến mới.