Sáng nay (3-7), Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức họp khẩn triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 2 (tên quốc tế Mun).
Tại cuộc họp, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết đến 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 380 km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai họp khẩn phòng chống bão số 2, sáng 3-7. Ảnh: M.H
Dự báo đến 4 giờ sáng mai, 4-7, bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão. Từ 19 giờ hôm nay, trọng tâm mưa sẽ tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ. Từ đêm mai, vùng mưa tập trung vào khu vực Tây Bắc, Việt Bắc. Lượng mưa dao động từ 100-250 mm, có nơi trên 300 mm.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ đội biên phòng cho biết đến thời điểm này đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 56.000 tàu cá, 484 tàu du lịch, 5 tàu nước ngoài với gần 9.000 lồng bè, lều, chòi canh.
Ngoài ra, hiện trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) có 1640 khách du lịch. Đại diện Bộ đội biên phòng đề nghị có biện pháp đưa du khách về đất liền để đảm bảo an toàn.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương không chủ quan cho rằng gió nhẹ, bão nhẹ. Trong phạm vi chịu ảnh hưởng nặng của bão cần chú đến các tàu vãng lai, các tàu khách, khu neo đậu, lồng bè chòi canh nuôi biển, không tổ chức hoạt động du lịch nhộn nhịp… tránh tình trạng chủ quan, gây ra thiệt hại nặng nề.
Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng kiểm tra lại số lượng khách du lịch trên đảo để kịp thời đưa vào bờ an toàn.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương trong vùng ảnh hưởng của cơn bão đặc biệt chú ý đến các tuyến đê trọng yếu, các hồ chứa trong vùng đang sửa chữa, đã xuống cấp nghiêm trọng, tránh bài học vỡ hồ thủy điện như ở Lào. Các địa phương cần vận hành thử hệ thống tiêu úng.
Đối với khu vực miền núi, rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức tuần tra tại các ngầm tràn, đường bị ngập; sẵn sàng phương án ứng phó theo phương châm bốn tại chỗ.