Khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon – lá phổi của hành tinh – vẫn liên tục cháy trong nhiều tuần qua, không ngừng nghỉ.
Chính phủ Brazil – nước chiếm 2/3 diện tích rừng Amazon nói thẳng mình không đủ tiền dập lửa. Trước áp lực trong nước và quốc tế, Brazil đã cho triển khai quân đội dập lửa nhưng lực lượng này vẫn không thể ngăn được đà cháy rừng.
Rừng Amazon trải dài qua hàng loạt nước châu Mỹ như Brazil, Peru, Bolivia, Colombia…và được xem là chỗ dựa lớn trong chống biến đổi khí hậu khi khu rừng này hấp thụ tới 25% khí carbon dioxide thế giới thải ra.
Rừng mưa nhiệt đới Amazon vẫn cháy không ngừng nghỉ nhiều tuần qua. Ảnh: REUTERS
Vì tầm quan trọng của rừng Amazon, nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế đã đề nghị được hỗ trợ tài chính giúp Brazil dập lửa. Tại hội nghị G7 tháng trước ở Pháp, các nước G7 đã thống nhất hỗ trợ Brazil 22,2 triệu USD dập lửa rừng Amazon.
Ban đầu Tổng thống Bzazil Jair Bolsonaro nói ông không nhận khoản hỗ trợ này. Nhưng sau đó ông Bolsonaro nói ông có thể cân nhắc lại chuyện nhận khoản 22,2 triệu USD này nếu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra mặt xin lỗi ông vì đã có phát ngôn làm tổn hại uy tín của ông.
“Trước khi đề cập hay nhận bất cứ thứ gì từ Pháp, thậm chí dù nó đến từ ý định tốt, ông ấy phải rút lại lời nói của mình. Sau đó chúng ta có thể nói chuyện” – ông Bolsonaro nói cuối tháng 8.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (trái) nói Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) phải xin lỗi ông thì ông mới nhận khoản hỗ trợ của G7. Ảnh: REUTERS
Trước đó, ông Macron một mặt tuyên bố G7 hỗ trợ 22,2 triệu USD, mặt khác lại chỉ trích ông Bolsonaro ra các chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp làm cháy rừng trầm trọng hơn, lên án ông Bolsonaro nói dối mình chuyện chống biến đổi khí hậu. Trước đó, ông Macron đe dọa sẽ phong tỏa một thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu và nhóm Mercosur mà Brazil là một thành viên.
Một nông dân Brazil đi qua một khoảng rừng Amazon gần TP Porto Velho, bang Rondonia (Brazil) bị lửa tràn qua ngày 26-8. Ảnh: AFP
Sở dĩ ông Macron nói thế vì theo nhiều tổ chức môi trường, một nguyên nhân chính khiến cháy ở rừng Amazon leo thang nghiêm trọng thời gian gần đây là vì chính phủ ông Bolsonaro không những không giám sát, ngăn chặn mà còn bật đèn xanh cho việc phá rừng phục vụ phát triển kinh tế.
Vì mất lòng tin vào nỗ lực hạn chế phá rừng của chính phủ Brazil, đầu tháng này, Đức và NaUy cắt khoảng hỗ trợ 72 triệu USD cho Quỹ bảo tồn rừng Amazon. Ông Bolsonaro nói thẳng ông sẽ chi một phần tiền này cho nông dân chăn nuôi gia súc và trồng đậu nành trong rừng Amazon.
Ông Bolsonaro đổ lỗi cho các tổ chức môi trường phi lợi nhuận đã cản trở chiến dịch phát triển kinh tế Brazil của ông. Ông Bolsonaro còn cho rằng các tổ chức phi chính phủ có thể đứng đằng sau đà tăng cháy rừng trong năm nay với chủ ý khiến mọi người có cái nhìn xấu chính phủ của ông. Số vụ cháy ở rừng Amazon năm nay tăng hơn 75% so với năm ngoái.
Phản pháo lại phát ngôn của ông Macron, ông Bolsonaro cáo buộc vị tổng thống Pháp “tấn công vô lý” và chế nhạo vẻ ngoài của vợ ông Macron – Đệ nhất phu nhân Pháp Brigitte Macron 66 tuổi, lớn hơn ông Macron 24 tuổi. Dĩ nhiên ông Macron đáp trả rằng ông Bolsonaro “bất lịch sự”.
Vợ chồng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị G7 ở Pháp tháng trước. Ảnh: MSN
Ông Bolsonaro thì làm căng với đề nghị hỗ trợ của G7 nhưng cấp dưới của ông thì muốn nhận. Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles và các thống đốc các bang có rừng Amazon chạy ngang đều nói Brazil cần khoản hỗ trợ của G7 cũng như của quốc tế để xử lý cháy rừng Amazon.
Ngoài khoản hỗ trợ của G7, Canada đề nghị góp 15 triệu USD và cung cấp thiết bị dập lửa từ trên không cho Brazil cứu rừng Amazon.
Bản thân ông Bolsonaro cũng có lựa chọn trong việc từ chối hay chấp nhận đề nghị trợ giúp. Trong khi bác đề nghị trợ giúp của G7 thì ông Bolsonaro chấp nhận đề nghị của Thủ tướng Benjamin Netanyahu gửi máy bay sang trợ giúp dập lửa. Ông Bolsonaro có kế hoạch gặp Tổng thống Colombia Ivan Duque về chuyện dập lửa cháy rừng Amazon. Ông Bolsonaro cũng cám ơn đề nghị trợ giúp của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Có điều Mỹ đến giờ vẫn chưa lên tiếng cụ thể về việc hỗ trợ.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong cuộc gặp với các thống đốc các bang có rừng Amazon, ngày 27-8. Ảnh: AFP
Nhiều ý kiến cho rằng hai hành động mang tính cấp thiết nhất hiện nay có thể góp phần cứu rừng Amazon có lẽ là một lời xin lỗi từ ông Macron với ông Bolsonaro, và cộng với đó là tuyên bố hỗ trợ chính thức và cụ thể từ Mỹ.
Nhìn từ góc độ khác, sẽ là điều đáng suy nghĩ khi so sánh việc quyên góp cứu rừng Amazon với tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp. Nếu so với khoản 500 triệu USD mà các tỉ phú Pháp nhanh chóng tuyên bố quyên góp tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris khi nhà thờ này cháy hồi tháng 4, thì số tiền các nước quyên cho việc cứu rừng Amazon quá còm cõi.