- ông Lê Nam, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại buổi thảo luận về báo cáo bổ sung kinh tế-xã hội năm 2012 và năm 2013 của Chính phủ, ngày 26-4.
Trong báo cáo riêng gửi Ủy ban Kinh tế, NHNN khẳng định năm 2012 đánh dấu thành công bước đầu trong công tác quản lý thị trường vàng khi không diễn ra việc nhập lậu vàng qua biên giới. Tỉ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng.
Còn từ đầu năm 2013 đến nay, để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, NHNN đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như tổ chức tạm xuất vàng phi SJC; tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC để đáp ứng nhu cầu chi trả vàng SJC cho người dân của các tổ chức tín dụng; ký hợp đồng và yêu cầu Công ty SJC gia công vàng miếng SJC theo yêu cầu để chuẩn bị sẵn nguồn cho hoạt động can thiệp…
NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai lộ trình xóa bỏ tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế thông qua việc sắp xếp chặt chẽ thị trường vàng, chuyển hoàn toàn quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng. NHNN tiếp tục tham gia thị trường vàng với vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng đảm bảo sự lưu thông của thị trường vàng và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước bằng vàng…
Từ nội dung báo cáo trên, ông Lê Nam “phê” thẳng: “Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu vốn mà dân chỉ thấy hoạt động nổi bật của NHNN là lo bán vàng. Hình như NHNN giờ chỉ có việc bán vàng thôi thì phải, còn những việc khác như tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, rồi các vấn đề về lãi suất, cho vay thì cứ để đấy. Thành thử người nuôi cá ba sa ở đồng bằng sông Cửu Long khó khăn là thế mà vẫn cứ phải tự bơi, chẳng thấy ai lo giúp dân cả”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng cũng tỏ ra sốt ruột trước tình trạng doanh nghiệp bế tắc vốn, vốn cho vay gần như không tăng mà huy động vẫn tăng. “Vậy vốn đi đâu hay lấy vốn của dân đi mua vàng?”.
Ông Hùng đề nghị NHNN đánh giá sự liên thông của thị trường vàng trong nước với thế giới. Bởi thực tế, khi chưa tiến hành đấu giá vàng thì chênh lệch chỉ ở mức 2 triệu đồng/ lượng nhưng khi đấu giá thì có lúc chênh lệch đến 7 triệu đồng/lượng.
đại biểu Bùi Đức Thụ, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách, lại tỏ ra nghi ngờ: “Dư nợ huy động tăng nhưng cho vay gần như không tăng. Vậy nguồn tiền chảy đi đâu? Liệu có phải có vấn đề lợi ích nhóm, cục bộ ngân hàng lớn nên thà giữ tiền để quyết giữ mức lãi suất cao chứ không cho vay ra”. Ông nhấn mạnh vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay không phải là thuế, phí mà cái chính là thiếu vốn. Do đó, phải hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng vấn đề quan trọng quyết định để nền kinh tế vượt qua khó khăn và phát triển là chính sách tiền tệ. “Phải mạnh mẽ giảm lãi suất hơn nữa và cũng không nên quá lo ngại ảnh hưởng đến tỉ giá, lạm phát”.
Giá vàng lên gần 43 triệu đồng/lượng (PL)- Cuối giờ chiều 26-4, giá vàng SJC niêm yết bán ra ở mức 42,9 triệu đồng/lượng, có giảm gần 100.000 đồng/lượng so với giá niêm yết buổi sáng nhưng mức vẫn cao hơn hôm trước gần 500.000 đồng. Khoảng cách mua vào bán ra chênh nhau khoảng 200.000 đồng/lượng. Hiện giá vàng thế giới giao ngay 1.477,1 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá Ngân hàng Vietcombank (20.960 đồng/USD) thì giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 5,7 triệu đồng/lượng. Cùng ngày, NHNN đấu thầu 26.000 lượng vàng và bán được 25.700 lượng, giá trúng thầu 42,92-42,95 triệu đồng/lượng. Qua 12 phiên đấu thầu, NHNN đã cung ra thị trường gần 13 tấn vàng. ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại đã cân bằng và đủ khả năng chi trả cho khách hàng khi đến hạn, cũng như đóng trạng thái sau ngày 30-6 tới. B.NHƠN |
THÀNH VĂN