Theo đó, hai bên sẽ phối hợp tổ chức các chuyến bay thuê bao nguyên chuyến (charter); đào tạo, huấn luyện nhân sự có chuyên môn về hàng không và du lịch; tổ chức các hoạt động tiếp thị xúc tiến thông qua các chương trình roadshows, hội chợ du lịch, triển lãm… góp phần phát triển ngành du lịch hai quốc gia.
Chia sẻ lý do chọn hợp tác với một doanh nghiệp Myanmar, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, cho biết 24 Hour Group of Companies là tập đoàn đa ngành lớn thứ hai ở Myanmar thành lập năm 2003, hoạt động ở các lĩnh vực khai thác khoáng sản, trồng trọt, công nghiệp, Ngân hàng KBZ...
Đặc biệt là hàng không đã thành lập 10 năm nay, lớn nhất Myanmar và rất thành công với hãng Air KBZ bay nội địa; hãng Myanmar Airways International bay quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel (trái) cùng ông Aung Aung Zaw - Chủ tịch Tập đoàn 24 Hour Group of Companies (phải) tại lễ ký kết hợp tác.
Theo ông Kỳ, vào năm tới Tập đoàn 24 Hour Group of Companies có thêm 18 máy bay mới nâng tổng số lên 34 máy bay, Vietravel sẽ kết nối thực hiện các chuyến bay charter giữa Việt Nam-Myanmar rồi từ đó bay sang nhiều nước khác nữa. Vietravel cũng bàn với đối tác mở đường bay từ Myanmar đến các thành phố biển Việt Nam. Đồng thời, có sự chuyển đổi máy bay của nhau, hỗ trợ nhau về kỹ thuật; phi công, tiếp viên…
Ông Kỳ nhìn nhận dù tiềm năng nhưng thời gian qua, đơn cử như năm 2018 Vietravel chỉ phục vụ được hơn 3.000 khách là quá ít, trong khi người dân Myanmar đi du lịch Thái Lan rất nhiều. Nguyên nhân là đường bay quá đắt, thậm chí có một số hãng đã mở đường bay rồi nhưng sau đó phải đóng cửa.
"Do đó, nếu Vietravel không liên kết sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn. Và một trong những chiến lược của Vietravel Airlines là hợp tác và hợp tác với nhiều hãng hàng không khác chứ không thể phát triển một mình được. Sự kiện này là một bước đi trước của chúng tôi, để khi có giấy phép là Vietravel Airlines bay ngay. Dự kiến mỗi tuần sẽ có ba chuyến charter Việt Nam - Myanmar, khai thác khoảng 10.000 khách/năm” - ông Kỳ nói.