Sắp xuất hiện nhân tố bí ẩn trong quan hệ Mỹ - Trung

Tờ South China Morning Post gần đây dẫn một số nguồn tin nội bộ cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc (TQ) sắp bổ nhiệm đại sứ mới tại Mỹ, thay ông Thôi Thiên Khải đến lúc nghỉ hưu sau tám năm giữ chức vụ này. Nhân vật sáng giá nhất được cân nhắc cho vị trí này là Thứ trưởng Ngoại giao Tần Cương. Nếu ông Tần được bổ nhiệm thì đây sẽ là một bất ngờ lớn, thậm chí với cả nội bộ Bắc Kinh.

Hiện chưa rõ khi nào Bắc Kinh sẽ công bố chính thức, có thể vài tuần sau khi bổ nhiệm. Bắc Kinh nhiều khả năng cũng sẽ hoãn công bố đến khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm đại sứ mới tại TQ thay ông Terry Branstad từ chức hồi tháng 9-2020.

Dấu hỏi lớn mang tên Tần Cương

Theo chuyên gia Gu Su thuộc ĐH Nam Kinh (TQ), trong giới đối ngoại TQ có một quy luật ngầm là một người khi hoạt động chuyên trách về một quốc gia hay một khu vực nào đó trong thời gian dài sẽ dần dần có thiện cảm và nghiêng về quốc gia, khu vực đó. Đó là lý do tại sao phải luân chuyển thường xuyên các nhà ngoại giao để đảm bảo những quan chức này luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Nhiều ý kiến đánh giá ông Tần là nhân tố cực kỳ bí ẩn và việc chọn ông cho thấy dường như Bắc Kinh đang có dụng ý riêng trong quan hệ với Mỹ thời gian tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (phải) trong một cuộc hội đàm với cựu Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz (trái) hồi tháng 12-2019.
Ảnh: GETTY

Nhìn vào lịch sử công tác, ông Tần có vẻ ít có cái nhìn cục bộ và chi tiết về quan hệ Mỹ - Trung hay những gì diễn ra giữa hai bên hằng ngày. Công việc của ông Tần chủ yếu liên quan tới vấn đề thông tin đối ngoại và quản lý việc tổ chức, lên lịch trình các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo TQ, đặc biệt của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo tạp chíThe Diplomat. Trước khi làm thứ trưởng ngoại giao, ông Tần từng làm việc tại Đại sứ quán TQ ở Anh và Bắc Ireland trong giai đoạn 2002-2005 nhưng chưa thực sự làm đại sứ TQ chính thức ở bất kỳ vùng lãnh thổ nào.

Về phong cách ngoại giao, ông Tần được mô tả là người khá cẩn trọng trong phát ngôn và hành động. Tuy nhiên, nhân vật này không ngại đối đầu thẳng thắn với bất kỳ bên nào làm ảnh hưởng tới lợi ích hoặc hình ảnh của TQ. Gần đây nhất, tại hội nghị thượng đỉnh giữa TQ và các nước Trung và Đông Âu (CEEC) hồi tháng 2, ông Tần công khai chỉ trích phương Tây là “chó sói hiểm ác” đang cố tình “bôi nhọ và lăng mạ” TQ. Nhiều nhà quan sát nhận xét rằng ông Tần có vẻ khá phù hợp với chiến lược “ngoại giao chiến lang” mà TQ đang triển khai, dù so về mức độ “nhiệt thành yêu nước” của những phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ như Triệu Lập Kiên, Uông Văn Bân hay Hoa Xuân Oánh thì không bằng.

Đại sứ hiện nay và các đại sứ trước đây của TQ tại Mỹ đều là những quan chức cấp cao và giàu kinh nghiệm, có thể là vụ trưởng về vấn đề Bắc Mỹ hoặc là người kỳ cựu về quan hệ Mỹ - Trung. Nhưng ông Tần không phải người như vậy và việc bổ nhiệm ông ấy làm đại sứ ở Mỹ sẽ phá vỡ truyền thống.

ThS DREW THOMPSONĐH Quốc gia Singapore 

Giới phân tích phương Tây nói gì?

Trả lời phỏng vấn của tờ The Wall Street Journal, TS David Dollar thuộc Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) nhận xét dù đại sứ TQ tại Mỹ sắp tới là ông Tần hay ai khác thì người đó cũng phải thể hiện được mình có óc quan sát tốt và nhạy bén trong bối cảnh quan hệ song phương đang cực kỳ căng thẳng. Theo ông Dollar, đại sứ TQ tại Mỹ phải thực hiện tốt vai trò là cầu nối giúp lãnh đạo hai bên hòa giải và chủ động giải quyết mâu thuẫn, chứ không nên chỉ biết tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo của trung ương.

Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu TQ SOAS (Anh), cho rằng việc bổ nhiệm ông Tần cho một chức vụ quan trọng như đại sứ Mỹ tại TQ cho thấy ông Tập “muốn lựa chọn người mà ông ấy tin tưởng thay vì một người nhiều kinh nghiệm”. Giới quan sát TQ cũng có suy nghĩ tương tự, vì ngoài ông Tần ra thì Bộ Ngoại giao TQ còn có tới ba thứ trưởng ngoại giao khác. Xét về kinh nghiệm làm ngoại giao với Mỹ, Thứ trưởng Mã Triêu Húc và Thứ trưởng Lạc Ngọc Thành là hai cái tên thậm chí còn có phần sáng giá hơn ông Tần vì đã từng làm việc trong đoàn đại diện thường trực TQ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Dù thế, theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant, việc ông Tần ít kinh nghiệm trong các vấn đề ngoại giao với Mỹ vô tình có thể là lợi thế của ông.

“Ông ấy là một gương mặt tương đối mới với người Mỹ và có thể giành được cảm tình của nhiều người ở đây. Bên cạnh đó, cả ông Biden và ông Tập đều muốn ổn định quan hệ song phương, tập trung vào các vấn đề đối nội. Ông Tần là người ít khi phát ngôn gay gắt nên sẽ khiến mục tiêu này dễ dàng được thực hiện hơn” - ông Brilliant giải thích.

Quan hệ Mỹ - Trung sau 100 ngày lãnh đạo của ông Biden

Tổng thống Joe Biden đã lãnh đạo nước Mỹ được hơn 100 ngày. Về cơ bản, quan hệ Mỹ - Trung vẫn không khác gì tình trạng căng thẳng xảy ra dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, theo The Diplomat. Chiến lược đối phó TQ của ông Biden không khác mấy so với ông Trump. Hầu hết các biện pháp đối đầu vẫn còn đó, chẳng hạn như thiết lập các rào cản thương mại kinh tế và làm căng các cáo buộc vi phạm quyền con người. Quan hệ Mỹ - Trung vẫn ở mức thấp nhất trong 40 năm gần đây.

Quan trọng hơn, lưỡng đảng hiện đều đồng thuận trong việc coi TQ là cường quốc đang lên nguy hiểm và yêu cầu chính quyền ông Biden phải cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh. Người dân Mỹ cũng đã thể hiện thái độ lo ngại với TQ, đặc biệt là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới.

Có thể thấy ông Tần Cương sẽ có một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn với áp lực hơn hẳn ông Thôi Thiên Khải nếu trở thành đại sứ TQ tại Mỹ trong thời gian tới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm